Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội đã nêu nhiều ý kiến đáng chú ý từ góc nhìn văn hóa về mối liên hệ giữa kinh tế tư nhân và lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu đánh giá cao dự thảo Nghị quyết vì đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.
![]() |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. (Ảnh: Media Quốc hội) |
Theo ông Sơn, dự thảo nghị quyết lần này, tuy tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân, nhưng một cách gián tiếp, có thể tạo động lực cho sự hình thành những doanh nghiệp biết kinh doanh bằng văn hóa và bảo vệ văn hóa bằng sức mạnh kinh doanh.
“Đây là một chuyển hóa rất đáng mừng, nếu được dẫn dắt đúng hướng”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội này cũng nêu rõ, đi cùng cơ hội luôn là thách thức. Nếu thiếu kiểm soát về chuẩn mực đạo đức, thiếu định hướng giá trị, thì việc mở cửa mạnh mẽ cho khu vực tư nhân cũng có thể kéo theo những hệ lụy không mong muốn.
“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một bộ phận doanh nghiệp chạy theo thị hiếu thấp, thương mại hóa thuần túy yếu tố văn hóa, dẫn đến xói mòn bản sắc và lệch chuẩn thẩm mỹ trong xã hội”, đại biểu Đoàn Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Nghị quyết này một cách gián tiếp sẽ thúc đẩy sự hình thành của những doanh nghiệp biết kinh doanh bằng văn hóa và biết bảo vệ văn hóa bằng sức mạnh kinh doanh. Đây là sự chuyển hóa rất đáng mừng, nếu được dẫn dắt đúng hướng.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn
Từ đó, ông kiến nghị dự thảo nghị quyết cần bổ sung một số điểm cụ thể để giải quyết các hệ lụy kể trên:
Thứ nhất, bổ sung cơ chế khuyến khích riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-sáng tạo.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư tư nhân vào bảo tồn di sản, nghệ thuật truyền thống, giáo dục nghệ thuật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, gắn trách nhiệm văn hóa-đạo đức với các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lớn từ chính sách.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân là bước đi chiến lược, nhưng phát triển kinh tế tư nhân có văn hóa, có trách nhiệm và có bản sắc mới là con đường bền vững.
“Nếu chúng ta lồng ghép được tầm nhìn văn hóa vào quá trình thiết kế và thực thi chính sách kinh tế, nghị quyết lần này sẽ thực sự là một dấu mốc quan trọng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 15/5, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Quốc hội cũng đã thống nhất việc điều chỉnh chương trình kỳ họp để biểu quyết thông qua nghị quyết này vào sáng 17/5, thay vì ngày 28/6 như dự kiến ban đầu.
Theo đó, trong buổi sáng 15/5, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết này ngay chiều cùng ngày.
Theo dự kiến, sáng nay 16/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, trước khi bấm nút thông qua nghị quyết này trong phiên họp sáng 17/5.
Nguồn: https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-kinh-te-tu-nhan-can-gan-voi-van-hoa-va-ban-sac-dan-toc-post880029.html
Bình luận (0)