Cán bộ xóm Trúc Mai, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), hướng dẫn bà con cách chăm sóc chè đúng cách sau khi đốn và cắt tỉa tán. |
Gia đình bà Bùi Thị Thủy, xóm Tân Thành, xã Tràng Xá gắn bó với cây chè đã hơn 20 năm. Trước đây, 5 sào chè của gia đình được bà Thủy trồng giống chè trung du. Do thiếu kiến thức kỹ thuật, nguồn nước tưới phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất bấp bênh, chất lượng chè búp không cao.
Bà Bùi Thị Thủy: Cách đây 5 năm, gia đình tôi chuyển sang giống chè lai F1 và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm để hạn chế phụ thuộc vào nước trời. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá bán chè tăng lên rõ rệt. Hiện mỗi lứa tôi thu được 20kg chè búp khô/sào, giá bán trung bình từ 190-250 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần so với trước.
Cũng như gia đình bà Thủy, phong trào trồng chè giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã phát triển mạnh ở nhiều xã trên địa bàn huyện Võ Nhai. Ông Lê Đình Chính, Trưởng xóm Trúc Mai, xã Lâu Thượng, chia sẻ: Xóm hiện có hơn 10ha chè, trên 90% diện tích được bà con trồng các giống chè lai F1, TRI777. Do được chăm sóc tốt và đầu tư khoa học kỹ thuật nên chất lượng chè được nâng cao. Giá chè khô của xóm đạt từ 150-200 nghìn đồng/kg, có hộ làm tốt có thể bán được giá cao hơn.
Không chỉ người trồng chè mà các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và làng nghề chè trên địa bàn Võ Nhai cũng đã và đang tích cực đổi mới để nâng cao giá trị cây chè. Đơn cử như HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ Đại Tiến, xóm Khuôn Nang, xã Liên Minh được thành lập năm 2016 với 9 thành viên và liên kết với các hộ dân sản xuất trên 10ha chè. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường gần 40 tấn chè búp khô, chủ yếu là chè tôm nõn và chè móc câu. Năm 2023, 2 sản phẩm của HTX là chè móc câu và chè Đại Tiến được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Triệu Thị Dung, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ Đại Tiến, cho biết: Chúng tôi đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ việc chế biến, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người dân xã Tràng Xá (Võ Nhai) thu hái chè. |
Để hỗ trợ người dân và các HTX nâng cao chất lượng chè, huyện Võ Nhai đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các xã, thị trấn mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chế biến chè; triển khai các chương trình, dự án sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng…
Nhờ những nỗ lực từ các cấp chính quyền và người dân, đến nay, Võ Nhai đã có 593/1.300ha chè đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ; năm 2024, tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 14.000 tấn, giá trị sản xuất chè đạt 300 triệu đồng/ha; huyện có 5 sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP 3 sao. |
Để tiếp tục nâng tầm cây chè, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Võ Nhai vừa ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU về phát triển ngành chè giai đoạn 2025-2030. Theo đó, đến năm 2030, huyện đặt mục tiêu nâng tổng diện tích chè lên 1.700ha, sản lượng đạt 16.400 tấn; ít nhất 70% diện tích đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ; 100% doanh nghiệp và HTX ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến; có tối thiểu 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/phat-trien-cay-che-vo-nhai-tu-nep-cu-sang-tu-duy-moi-dea0431/
Bình luận (0)