Nông nghiệp hữu cơ được hiểu là hình thức canh tác tránh hoặc bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng hoặc các phụ gia trong thức ăn. Chiếu theo tiêu chí trên, mô hình lúa - rươi - cáy tại Quảng Ninh có thể được coi là một điển hình canh tác nông nghiệp hữu cơ. Cả quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, con rươi, cáy hoàn toàn không bị tác động bất cứ loại phân thuốc có gốc hóa học nào. Chính bởi vậy sản phẩm tạo ra từ những chân ruộng này mặc nhiên đảm bảo các tiêu chuẩn sạch, an toàn, một trong những điều kiện để được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.
Theo báo cáo của Sở NN&MT, hiện toàn tỉnh đang có 90ha canh tác xem lúa – rươi - cáy tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên; 45ha lúa hữu cơ với sản lượng khoảng 150 tấn tại thị xã Đông Triều và Quảng Yên; 329ha quế hữu cơ với sản lượng 220 tấn tại huyện Tiên Yên và Đầm Hà.
Cùng với nông nghiệp hữu cơ, toàn tỉnh ngày càng xuất hiện những mô hình nông nghiệp xanh, sạch, giá trị cao. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&MT, ở những mô hình nông nghiệp xanh, sạch ấy có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có tính liên kết, có sự kết hợp kinh tế nông nghiệp với kinh tế du lịch, dịch vụ, có giải pháp canh tác ít đất hoặc không sử dụng đất... và hơn hết các mô hình nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, giá trị cao phải sở hữu những tiêu chuẩn kỹ thuật cao đã được chứng nhận.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ninh đang có 12.000ha cây trồng tập trung, 56 khu vực trồng trọt được cấp mã vùng trồng, gần 9.500ha rừng được cấp chứng chỉ rừng,1 vùng chăn nuôi an toàn với dịch bệnh và 1 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản được cấp phép đến năm 2050. Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trong bối cảnh hiện nay, việc các vùng nuôi, trồng được cấp mã là điều kiện cần thiết để sản phẩm đủ điều kiện để xuất khẩu, từ đó mới mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể thấy những mô hình nông nghiệp xanh, sạch điển hình hiện nay của Quảng Ninh như: HTX thương mại dịch vụ và sản xuất nông, lâm, thuỷ sản Tuấn Hùng (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) từ nền tảng hộ gia đình chuyên gieo cấy giống lúa Bao Thai, đã tổ chức liên kết với nhiều hộ dân trong xã, mở rộng diện tích canh tác, tạo ra sản lượng gạo Bao Thai lớn để sơ chế, đóng gói và xuất bán tập trung; mô hình nông nghiệp – du lịch Orange Farm Vàng Danh (phường Vàng Danh, TP Uông Bí), mô hình du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều), Đồi chè Quảng Long (huyện Hải Hà), Trang trại hoa lan Đồng Ho (TP Hạ Long), Vườn hoa Cao Sơn (Bình Liêu), mô hình rau thuỷ canh Greenfarm 188 Mạo Khê (TX Đông Triều), Khu sinh thái gia đình xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên), Vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn)… Mỗi mô hình nông nghiệp xanh, sạch trên được cho là mang lại giá trị cao hơn nhiều so với nông nghiệp hoặc du lịch đơn thuần, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả 2 ngành kinh tế nông nghiệp và du lịch, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nói chung của tỉnh…
Có thể thấy phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững tại Quảng Ninh hiện nay đang là xu hướng phát triển tất yếu, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu dùng nông sản.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-huong-den-nen-nong-nghiep-xanh-sach-ben-vung-3355445.html
Bình luận (0)