Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển sản phẩm du lịch tương tầm với tình hình mới

Chính sách miễn thị thực vừa được mở rộng thêm nhiều nước, thị hiếu đi du lịch bền vững dần lên ngôi, sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho chuyến đi… là những điều kiện vô cùng thuận lợi để ngành Du lịch cả nước, trong đó có Bạc Liêu bứt phá. Muốn như vậy, việc phát triển sản phẩm tương tầm trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết giúp tỉnh phát huy tối đa lợi thế, vị thế và tạo ra màu sắc khác biệt trong bức tranh chung của du lịch vùng.

Báo Bạc LiêuBáo Bạc Liêu26/03/2025

CƠ HỘI HÚT KHÁCH CHI TIÊU CAO

Nhìn vào “gia tài” du lịch đáng nể của Bạc Liêu, có thể khẳng định rằng tỉnh đã dồn rất nhiều tâm sức để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, với thành quả là địa phương đang sở hữu nhiều điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là số lượng chưa đi liền với chất lượng và Bạc Liêu vẫn đang loay hoay khẳng định một chỗ đứng tương xứng với lợi thế vốn có của mình.

Minh chứng là doanh thu dịch vụ, tổng lượt khách hằng năm của Bạc Liêu lại chưa cho thấy vị thế của địa phương có nhiều sản phẩm tiêu biểu cấp vùng. Riêng năm 2024, Bạc Liêu chỉ xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố trong khu vực về tổng doanh thu, lượt khách. Đặc biệt, lượng khách nước ngoài - đối tượng có mức chi tiêu cao đến với Bạc Liêu không nhiều, trong đó số khách lưu trú khá hạn chế nên đã dẫn đến doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh còn ở mức thấp.

Theo Nghị quyết 44 vừa được Chính phủ ban hành, công dân đến từ 15 quốc gia châu Âu và châu Á sẽ được miễn thị thực, với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh. Trước đó, công dân của 3 nước là Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ cũng được hưởng chính sách này. Điều này đã phát đi thông điệp Việt Nam đang mở rộng cánh cửa hội nhập, luôn chào đón bạn bè thế giới và cũng tạo ra cuộc cạnh tranh cho các địa phương trong nước thu hút nguồn khách có chi tiêu cao.

Ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình), cho biết: “Để chuẩn hóa đội ngũ nhân lực trong bối cảnh hội nhập, chúng tôi đang liên kết với các đơn vị để đào tạo theo đơn hàng, nhất là các bạn có khả năng giao tiếp tốt tiếng Anh. Bên cạnh đó là đầu tư cho các hoạt động, dịch vụ gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, khám phá nét văn hóa bản địa để phục vụ thị hiếu của khách nước ngoài”.

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

THÊM CHẤT CHO SẢN PHẨM

Không khó để chỉ ra những nguyên nhân khiến du lịch Bạc Liêu phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng. Một trong những vấn đề dễ nhận thấy nhất là các sản phẩm của tỉnh vẫn thiếu sức cuốn hút, sự đầu tư chưa đi vào chiều sâu. Đơn cử, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu trong nhiều năm qua chỉ bổ sung thêm chương trình biểu diễn đờn ca tài tử; khu vực xung quanh Quảng trường Hùng Vương chưa có các gian hàng quà lưu niệm, ẩm thực để phục vụ khách đến check-in. Hay đến chùa Xiêm Cán, du khách ngoài tham quan, chụp ảnh lưu niệm thì không có hoạt động nào để trải nghiệm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer…

Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Để du lịch Bạc Liêu phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực, ngành Du lịch tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử; sản phẩm gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển… Trong xu thế phát triển của công nghệ số, ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, trong đó xây dựng và triển khai hệ thống quản lý du lịch thông minh thuộc Đề án phát triển đô thị thông minh, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh”.

Trong tình hình mới, việc có nhiều điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng cùng những điều kiện hết sức thuận lợi giúp Bạc Liêu có những ưu thế để phát triển, cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn đòi hỏi tỉnh phải có sự đầu tư sâu hơn, trau chuốt hơn thì mới tạo ra những sản phẩm đủ lực thu hút, giữ chân du khách trong và ngoài nước.

PHƯƠNG ANH

Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/phat-trien-san-pham-du-lich-tuong-tam-voi-tinh-hinh-moi-99909.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm