Diện tích sản xuất rau màu tập trung tại xã Xuân Lai (Thọ Xuân).
Tại xã Nam Giang, khu đồng Ngâu được xem là điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khu vực này trước đây là vùng đồng chiêm trũng, thường xuyên bị ngập lụt, người dân canh tác lúa thường xảy ra rủi ro, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2012, UBND xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân tích tụ, tập trung đất đai, thực hiện chuyển đổi 35ha để hình thành khu trang trại tập trung. Chị Lê Thị Oanh, một trong những chủ trang trại tại đây cho biết: “Khi xã có chủ trương quy hoạch khu vực đồng Ngâu để phát triển kinh tế trang trại, gia đình tôi đã đầu tư đào ao, đắp bờ, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn và gà đẻ trứng; bao quanh các chuồng nuôi là ao cá và trồng thêm cây ăn quả như bưởi, na, chanh... để tạo cảnh quan cho trang trại và bảo vệ môi trường chăn nuôi”. Hiện nay, khu trang trại tập trung đồng Ngâu có 12 hộ đầu tư sản xuất; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động với thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng... Những năm qua, để tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô sản xuất, cùng với nguồn ngân sách được hỗ trợ, xã đã đầu tư xây dựng các công trình như: Trạm biến áp, đường dây trung, hạ áp... Đồng thời, thành lập HTX Cây trồng và Vật nuôi đồng Ngâu, hướng tới liên kết, sản xuất các sản phẩm theo hướng VietGAP... phục vụ người tiêu dùng.
Việc tích tụ, tập trung đất đai ở xã Nam Giang nói riêng và huyện Thọ Xuân nói chung đã tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất; góp phần hình thành một số vùng sản xuất có diện tích tập trung lớn như: Vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng trồng cây xuất khẩu; sản xuất rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới; vùng trồng cây ăn quả; vùng trang trại kết hợp nuôi trồng thủy sản... Từ đó, người dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chuồng kín, sử dụng máy sủi ô-xy trong các ao nuôi trồng thủy sản; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ... Bên cạnh đó, huyện cũng đã chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng thiết yếu, nhất là hệ thống đường giao thông, để thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn phục vụ chăn nuôi... Ngoài ra, tại khu chăn nuôi tập trung, các trang trại cũng đã thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, như Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần...
Bằng nhiều giải pháp, huyện Vĩnh Lộc đã tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của từng địa phương, gắn với khai thác lợi thế so sánh. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã phần nào làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm của người dân về thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, huyện đã hình thành được vùng lúa năng suất, chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng sản xuất rau an toàn tập trung, vùng sản xuất chuối tiêu hồng...
Tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, các vùng sản xuất tập trung đã dần được hình thành; các vùng quy mô lớn như: Vùng lúa thâm canh, vùng mía nguyên liệu, vùng cây ăn quả tập trung, vùng sản xuất rau an toàn... Các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa... hình thành được vùng sản xuất chuyên canh ngô ngọt, bí, hành lá. Huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh... có vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi gắn với chăn nuôi bò sữa tập trung...
Để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung bền vững, tỉnh đã khảo sát đặc thù của từng địa phương, từ đó ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất... Thông qua việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, người dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng và tăng sức cạnh tranh, nhất là các sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu trên thị trường. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, khoa học - kỹ thuật; hiệu quả kinh tế được nâng lên so với sản xuất nhỏ lẻ.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-vung-san-xuat-tap-trung-245798.htm
Bình luận (0)