
Đồng thời, đồng chí đã chủ trì buổi làm việc để nghe Sở Nội vụ báo cáo kết quả triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 7 xã, phường: Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận, Hàm Liêm, Hàm Thắng, Phú Thủy, Bình Thuận.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và đại diện UBND các địa phương.
Tại phường Phú Thủy và xã Hàm Liêm, đồng chí Lê Trọng Yên trực tiếp khảo sát hoạt động hành chính, kiểm tra bộ phận một cửa, gặp gỡ cán bộ cơ sở để lắng nghe khó khăn trong thực tiễn vận hành...

Qua trao đổi, các địa phương cho biết, dù đã chủ động sắp xếp tổ chức, phân công nhiệm vụ, nhưng vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, phần mềm hộ tịch chưa có cấu hình chữ ký số của chuyên viên nên thực hiện quy trình điện tử còn gặp khó khăn. Đường truyền đôi khi không ổn làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều người dân, doanh nghiệp chưa biết cách nộp hồ sơ trực tuyến, đặc biệt là người lớn tuổi. Mặt khác, thói quen của người dân vẫn còn đến tận nơi nên gây áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công xã...


Sau kiểm tra, đồng chí Lê Trọng Yên đã chủ trì buổi làm việc để nghe Sở Nội vụ báo cáo kết quả triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 7 xã, phường.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo kết quả triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 7 xã, phường. Theo đó, đến nay, hệ thống chính trị ở cơ sở cơ bản đã được kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định. Các xã, phường đã tổ chức bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với tình hình mới; tiếp tục hoàn thiện quy chế làm việc, phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thiết bị phục vụ công vụ, trụ sở làm việc, phần mềm hành chính công chưa đồng bộ, tình trạng thiếu nhân lực ở một số vị trí, nhất là tại bộ phận một cửa hoặc địa bàn có quy mô dân số lớn. Một số xã, phường vẫn chưa hoàn tất việc đổi tên thôn, tổ dân phố; công tác cập nhật dữ liệu liên quan đến dân cư, hộ tịch, bảo hiểm xã hội còn chậm do thiếu hướng dẫn cụ thể sau sáp nhập.
Sở Nội vụ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành sớm hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu như máy tính, máy in, bàn ghế, phần mềm dùng chung cho các xã, phường. Đẩy nhanh hướng dẫn quy trình chuẩn cho bộ phận một cửa và các phần mềm quản lý chuyên ngành. Có cơ chế hỗ trợ tài chính để các địa phương sớm ổn định hoạt động, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025–2030.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các xã, phường đã phản ánh một số khó khăn trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập. Trong đó, nhiều địa phương gặp vướng mắc trong giải quyết thủ tục đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm tiến độ.

Các vấn đề về giáo dục, y tế tại một số xã, phường cũng được nêu ra, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất chưa đồng bộ so với địa bàn sau khi sáp nhập. Riêng xã Hàm Thuận Nam gặp khó trong quản lý trang thiết bị, tài sản dôi dư sau khi hợp nhất các đơn vị, chưa có hướng xử lý rõ ràng...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết tâm cao của các xã, phường trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng chí nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã cơ bản vận hành được bộ máy mới, đảm bảo ổn định hoạt động và phục vụ Nhân dân.

Trước các ý kiến, kiến nghị cụ thể được nêu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành chuyên môn đồng hành, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời đề nghị sớm biên soạn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, thành lập các nhóm Zalo kết nối hỗ trợ giữa tỉnh và cơ sở, nhằm tăng cường chia sẻ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên khẳng định tinh thần nhất quán là tinh gọn bộ máy, hạn chế trung gian tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, hướng đến gần dân, sát dân, hiệu quả, từng bước xây dựng nền chính quyền phục vụ đúng nghĩa.
Liên quan công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cấp xã, phường nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần có định hướng cụ thể, văn kiện ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ triển khai, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương.
Về các vướng mắc trong công tác vận hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn rõ ràng, ban hành các quy định, kết luận bằng văn bản để triển khai thực hiện, đảm bảo trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp. Đặc biệt, đối với lĩnh vực đất đai, nếu không có sự hỗ trợ từ sở ngành và chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh thì địa phương rất khó triển khai do liên quan đến cơ chế, chính sách, thẩm quyền.
Liên quan đến công tác nhân sự, đồng chí nhấn mạnh cần có sự linh hoạt trong bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là ở những vị trí còn thiếu như kế toán, công nghệ thông tin. Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn, đảm bảo hiệu quả thực chất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách cho cán bộ dôi dư theo đúng quy định.
Về cơ sở vật chất - tài chính, đồng chí yêu cầu Sở Tài chính linh hoạt trong bố trí nguồn lực, không để người dân phải đi hàng chục km để làm thủ tục hành chính do thiếu trang thiết bị, trụ sở. Đối với tài sản công, đất đai, trụ sở dôi dư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì rà soát, tham mưu UBND tỉnh phân bổ kịp thời, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”...
Nguồn: https://baolamdong.vn/pho-chu-tich-ubnd-tinh-lam-dong-le-trong-yen-kiem-tra-hoat-dong-hanh-chinh-o-co-so-382743.html
Bình luận (0)