Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh và gây ngộ độc. Do đó, người tiêu dùng nên hình thành thói quen sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng17/07/2025

Nhiều xe hàng rong với đủ loại đồ ăn vặt không được bảo quản đúng cách. Ảnh: KHÁNH NGÂ
Nhiều xe hàng rong với đủ loại đồ ăn vặt không được bảo quản đúng cách. Ảnh: KHÁNH NGÂ

Theo ghi nhận, tại nhiều khu chợ truyền thống, cổng trường học, khu dân cư, vỉa hè trên địa bàn thành phố, không khó để bắt gặp các hàng quán bày bán thực phẩm chế biến sẵn với hình thức bắt mắt, phong phú chủng loại như: bánh tráng trộn, bánh mì, cơm cuộn, bún thịt nướng, chân gà, xúc xích chiên, nem chua rán…

Những món ăn này thường không được che đậy, bảo quản đúng cách, dễ bị nhiễm bụi bẩn, côn trùng và vi khuẩn gây hại. Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động, có nhu cầu ăn nhanh, tiện lợi và giá rẻ.

Anh Hà Thanh Mỹ (trú phường Hòa Cường) cho hay, do tính chất công việc bận rộn nên anh thường xuyên ăn sáng và ăn trưa tại các quán gần cơ quan. Anh vẫn biết các quầy hàng này không bảo đảm vệ sinh, người bán không đeo găng tay, thực phẩm không che chắn kỹ nhưng vẫn phải mua vì tiết kiệm thời gian...

Trong khi đó, chị Trần Thị Ngọc Hà (phường Thanh Khê) cho biết, sau khi ăn nem chua rán ở một quầy vỉa hè gần trường học, cả hai mẹ con đều xuất hiện triệu chứng đau bụng chỉ vài tiếng sau khi ăn. Chị đưa con đến cơ sở y tế gần nhà kiểm tra thì được bác sĩ xác định là bị ngộ độc thực phẩm nhẹ. “Lúc mua thấy quầy đông người, nem chiên ngay tại chỗ nhưng không ngờ vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Hà chia sẻ.

Bác sĩ Trương Thị Hoa, Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, có 4 nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm: do vi sinh vật, do hóa chất, thức ăn chứa các chất độc tự nhiên, thức ăn bị biến chất. Thời gian ủ bệnh từ 2-4 giờ, riêng ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật có thời gian ủ bệnh từ 6-48 giờ. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm chủ yếu như: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, có thể kèm sốt.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để ruồi, muỗi… sinh sôi và làm lây lan mầm bệnh qua thực phẩm và nước uống. Đây cũng là nguyên nhân khiến các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy cấp, gia tăng trong mùa hè.

Người dân cần lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong lúc chế biến thức ăn; lựa chọn nhà hàng, quán ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, vào mùa nóng, nhiều người mắc phải các sai lầm phổ biến trong bảo quản thực phẩm như: để thức ăn đã nấu chín, ăn không hết ở nhiệt độ phòng mà không đậy kín; cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh; không đậy kín thực phẩm khi bảo quản lạnh; để lẫn thực phẩm sống và chín...

Khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử trí kịp thời; uống nhiều nước hoặc oresol để bù nước và điện giải. Đồng thời nên giữ lại mẫu thức ăn nghi ngờ hoặc chất nôn trong túi kín để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và hướng giải quyết phù hợp...

Nguồn: https://baodanang.vn/phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-mua-nang-nong-3297056.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm