Năng suất tỏi ở xã Nam Tân trong những vụ đông gần đây liên tục tăng do đất được phục hồi, tái tạo dinh dưỡng
Năng suất cao
Chúng tôi về xã Nam Tân khi bà con đang tập trung thu hoạch nốt diện tích tỏi vụ đông. Dù đã cuối vụ nhưng cây tỏi vẫn khá xanh tốt, bộ rễ khoẻ, khóm nở, củ to, mẫu mã đẹp hơn năm ngoái.
Cầm trên tay những chùm tỏi tươi nặng trĩu, ông Trần Đình Tưởng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Tân vui vẻ cho biết năng suất tỏi tươi vụ đông năm 2024 toàn xã đạt bình quân 1 tấn/sào, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, bà con cũng được mùa vụ hành, năng suất bình quân 800 kg/sào, cũng tăng khoảng 15%.
"Năng suất hành, tỏi tăng đều đặn trong 2 năm gần đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành quả này nhưng cái chính là do đất đã khoẻ trở lại", ông Tưởng thông tin.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt đang nhổ tỏi dưới ruộng nói xen: "Ông Tưởng cứ khiêm tốn, tôi nghĩ năng suất hành, tỏi vụ này phải tăng hơn con số 15%". Theo bà Nguyệt, mấy vụ trước do đất bạc màu mà cây hành, tỏi của gia đình trồng ra khóm to, khóm nhỏ, củ không đồng đều, năng suất chỉ bằng 2/3 vụ đông vừa rồi. Từ ngày tăng cường phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp đất đai phục hồi, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, củ hành, tỏi phát triển đồng đều, to, mẫu mã sáng. Hơn nữa, hành, tỏi sản xuất ra cũng cảm thấy an toàn hơn do không phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật như trước.
Một nông dân khác đứng gần cũng hùa theo, nói: "Không chỉ có hành, tỏi đâu mà còn lúa và các loại rau màu khác cũng cho năng suất cao hơn mấy năm trước. Đất khoẻ nên canh tác cái gì cũng thấy thuận lợi".
Rễ cây lúa ở diện tích dùng chế phẩm sinh học phát triển nhanh, đẻ nhánh khoẻ hơn những khu vực không dùng chế phẩm này
Chúng tôi tới thăm một số cánh đồng lúa đông xuân ở xã Nam Tân đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Hầu như ruộng lúa nào cũng xanh tốt, khóm to, cứng cây và ít sâu bệnh. Nhổ một khóm lúa tại thửa ruộng hơn 3 sào của gia đình mình lên kiểm tra, bà Vũ Thị Lịch ở thôn Quảng Tân thông tin: "Rễ cây lúa phát triển rất tốt, cây khoẻ, ít bị sâu bệnh. Từ đầu vụ đến giờ nhà tôi mới phải phun 2 lần thuốc trừ bọ trĩ, giảm một nửa so với trước đây. Từ ngày ứng dụng chế phẩm sinh học, tôi thấy đất đai được phục hồi, khoẻ hơn".
Đối với cây lúa, nông dân xã Nam Tân mới sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh vào quá trình sản xuất từ vụ đông xuân năm 2024. Khi đó, toàn xã có khoảng 7 ha áp dụng các loại phân bón, chế phẩm này. Kết quả là cây lúa phát triển tốt, giảm sâu bệnh, năng suất đạt 68 tạ/ha, cao hơn hẳn so với những ruộng canh tác theo phương thức truyền thống. Bà con thấy hiệu quả nên từ đó đến nay tích cực áp dụng.
Tiết kiệm
Xã Nam Tân có khoảng 220 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 40 ha chuyên canh cây rau màu. Ông Tưởng cho biết những năm trước, việc sản xuất lúa và rau màu có một số giai đoạn kém hiệu quả. Vụ mùa năm 2023, khoảng 3 - 4 ha lúa ở thôn Long Động bị bệnh vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen...
Không ít diện tích rau màu trong xã bị chết hoặc kém phát triển, năng suất sụt giảm do mắc các loại bệnh nghẹt rễ, thối rễ, nấm khuẩn, vàng lá... Việc phun thuốc hoá học không những không thể tiêu diệt được nấm khuẩn gây bệnh mà còn ngày càng làm cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất bị tiêu diệt. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng nhiều gây nên tình trạng ngộ độc hữu cơ, ngộ độc hoá học trong đất. Khả năng chuyển hoá chất dinh dưỡng của đất kém gây ra dịch bệnh cho lúa, rau màu...
"Sức khoẻ" đất ở xã Nam Tân được cải thiện giúp lúa và hoa màu phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng và hướng tới nền nông nghiệp xanh
Vụ đông xuân năm 2023 - 2024, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Tân lần đầu phối hợp thử nghiệm mô hình sản xuất an toàn theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trên 1 ha hành. Mô hình cho hiệu quả rõ rệt. Đến vụ đông xuân năm 2024 - 2025, toàn xã đã có 50 ha trồng hành, tỏi sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. "Từ thành công trên cây hành, tỏi, chúng tôi tiếp tục vận động nông dân áp dụng cách làm này trên lúa cùng một số loại rau màu khác và đều đem lại những kết quả đáng mừng", ông Tưởng nói.
Chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật, có khả năng cố định ni tơ, phân giải phốt phát khó tan, đồng thời hoà tan ka li, giúp cung cấp các chất dinh dưỡng, cải tạo độ phì và tăng khả năng giữ ẩm cho đất. Đất trở nên tơi xốp, thoáng khí, giàu mùn, dễ hoà tan, tạo thuận lợi cho bộ rễ cây trồng phát triển. Mở rộng ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất là bước chuyển đổi mang tính chiến lược, giúp cải tạo sức khoẻ đất, giảm sâu bệnh, tăng năng suất và hướng tới nền nông nghiệp xanh ở xã Nam Tân.
Đất sản xuất ở nơi đây giờ không chỉ được phục hồi dinh dưỡng mà còn khoẻ, giúp cây trồng phát triển ổn định, ít sâu bệnh gây hại, cho năng suất, chất lượng ngày càng cao.
Theo tính toán của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Tân, việc cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp giảm chi phí đầu vào từ 15 - 30%, tăng năng suất cây trồng từ 5 - 10%. Chất lượng nông sản ngày càng nâng lên, góp phần bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng.
BÌNH MINH
Nguồn: https://baohaiduong.vn/phuc-hoi-suc-khoe-dat-nong-nghiep-o-nam-tan-nam-sach-408361.html
Bình luận (0)