Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đăk Lăk và Phú Yên dự kiến họp tại TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) vào ngày 18/4 để trao đổi, thống nhất phương án sáp nhập hai địa phương.
Cuộc họp sẽ có các nội dung như thành lập tổ liên tỉnh để phối hợp xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và lộ trình thực hiện; tổ chức bộ máy, nhân sự; sắp xếp trụ sở làm việc, bố trí nhà ở công vụ, chế độ hỗ trợ cho cán bộ, phương án đầu tư nâng cấp quốc lộ 29 nối hai tỉnh...
UBND Đăk Lăk ngày 13/4 dự kiến nếu sáp nhập sẽ có khoảng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó hơn 120 cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, không bao gồm lực lượng vũ trang) có nhu cầu đi từ TP Tuy Hòa (Phú Yên) đến TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) làm việc và ngược lại (quãng đường gần 200 km).
Đối với lãnh đạo cấp sở trở lên, tỉnh sẽ bố trí xe công vụ đưa đón riêng, chủ động thời gian đi lại, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác.
Các cán bộ, công chức, viên chức còn lại sẽ dùng xe chung với lịch trình cụ thể. Xe xuất phát từ TP Tuy Hòa lúc 4 giờ thứ hai hàng tuần (tại trụ sở UBND tỉnh Phú Yên); xuất phát tại TP Buôn Ma Thuột lúc 17 giờ 30 ngày thứ sáu hàng tuần (đón tại trụ sở UBND Đăk Lăk). Quá trình di chuyển, xe có thể đón thêm ở một số địa điểm bảo đảm thuận lợi cho cán bộ, công chức.
Ngoài ô tô công vụ, tỉnh cũng có xe vận chuyển do các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định cung cấp phục vụ cho sáp nhập. Tổng kinh phí ước tính cho kế hoạch này (không bao gồm chi phí xe công vụ) khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng, từ ngân sách tỉnh năm 2025 và hỗ trợ của Trung ương.
Từ tháng 4 - 5, Đăk Lăk khảo sát nhu cầu đi lại thực tế của cán bộ tại hai địa phương. Tháng 7 - 8, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp phương tiện (xe kinh doanh hợp đồng). Dự kiến tháng 9 tỉnh thực hiện phương án và tháng 1/2026 sơ kết tình hình đi lại để điều chỉnh cho phù hợp.
Đăk Lăk rộng hơn 13.000 km2 (lớn thứ 4 cả nước), dân số hơn 1,9 triệu người. Tỉnh giáp Gia Lai và Phú Yên ở phía bắc, Khánh Hòa ở phía đông, Lâm Đồng và Đăk Nông ở phía nam; phía tây giáp Campuchia với đường biên giới dài hơn 190 km. Đất bazan chiếm trên 40% diện tích tự nhiên của tỉnh, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, rau củ quả và dược liệu. Địa phương có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện, với 149 xã, 18 phường, 13 thị trấn.
Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, rộng hơn 5.000 km2, dân số hơn 876.000 người (năm 2022). Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 110 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 6 thị trấn và 83 xã). Địa phương phát triển kinh tế dựa trên lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics.
Hai địa phương kết nối, giao thương hàng hóa qua quốc lộ 29. Mới đây, Đăk Lăk kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 29 nối hai tỉnh, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Kạn đang triển khai lấy ý kiến cử tri của 108 xã về phương án sáp nhập Bắc Kạn với Thái Nguyên. Tên tỉnh mới được đề xuất một phương án là Thái Nguyên, người dân đồng ý hoặc không đồng ý và có thể nêu ý kiến khác.
Tỉnh niêm yết danh sách cử tri từ ngày 11 - 19/4, tổ chức lấy ý kiến từ ngày 17 - 19/4. Thời gian tổng hợp, báo cáo kết quả của UBND cấp xã cho cấp huyện trước ngày 20/4, cấp huyện cho tỉnh trước ngày 21/4.
Bắc Kạn có diện tích tự nhiên 4.859 km2, dân số hơn 326.000 người. Tỉnh gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, với 108 xã, phường, thị trấn. Phía bắc giáp Cao Bằng; phía đông giáp Lạng Sơn; phía nam giáp Thái Nguyên; phía tây giáp Tuyên Quang. Tổng thu ngân sách năm 2024 của Bắc Kạn đạt khoảng 930 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thái Nguyên nằm ở trung tâm vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, diện tích hơn 3.560 km2, dân số hơn 1,3 triệu người từ 8 dân tộc. Tỉnh giáp Bắc Kạn ở phía bắc; Vĩnh Phúc và Tuyên Quang ở phía tây; Lạng Sơn, Bắc Giang ở phía đông; phía nam giáp Hà Nội. Thái Nguyên có 3 thành phố, 6 huyện với 178 xã, phường, thị trấn; tổng thu ngân sách năm 2024 hơn 20.000 tỷ đồng.
Việc sáp nhập tỉnh, thành phố thực hiện theo yêu cầu của Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII bế mạc hôm 12/4, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước từ 63 xuống 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Một số phương án sáp nhập đang được nghiên cứu như Đà Nẵng và Quảng Nam; Bắc Giang và Bắc Ninh; Hải Phòng và Hải Dương; Lào Cai và Yên Bái; Quảng Ngãi và Kon Tum, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
TB (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiduong.vn/phuong-an-sap-nhap-dak-lak-voi-phu-yen-bac-kan-va-thai-nguyen-409327.html
Bình luận (0)