Phường Bến Thành mới, được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Bến Thành, phường Phạm Ngũ Lão và một phần diện tích của hai phường Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Bình, đã chính thức đi vào hoạt động. Trụ sở hành chính của phường đặt tại số 92 Nguyễn Trãi, TPHCM.
Việc sáp nhập này không chỉ mở rộng địa giới hành chính mà còn biến Bến Thành thành "trái tim" mới của TPHCM, hội tụ nhiều biểu tượng văn hóa, du lịch và là trung tâm đa chức năng quan trọng.
Bà Huỳnh Mai (60 tuổi) chia sẻ: "Sau sáp nhập, nhiều cái tên địa danh xưa của TPHCM được lấy làm tên phường mới làm cho người dân chúng tôi rất xúc động".
Chợ Bến Thành, tọa lạc trên diện tích 13.056m2, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố vào năm 2024. Với hình ảnh đồng hồ lớn ở cổng Nam và những sạp hàng sầm uất, chợ Bến Thành là điểm đến không thể bỏ qua, giữ được nét đặc trưng của Sài Gòn xưa dù đã trải qua nhiều lần trùng tu.
Dinh Độc Lập, một công trình kiến trúc đặc sắc và di tích lịch sử đặc biệt, cũng thuộc phường Bến Thành. Nơi đây lưu giữ dấu ấn về ngày chiến thắng, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Được khởi công năm 1868 và hoàn tất năm 1871, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2009, là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước.
Công viên Tao Đàn và Công viên 23/9, với mật độ cây xanh dày đặc và nhiều cây cổ thụ lâu năm, được ví như "ốc đảo thanh bình" giữa lòng thành phố, mang lại không gian xanh mát cho cư dân và du khách.
Bà Châu Phụng Chi, Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Bến Thành, nhấn mạnh: "Với lợi thế về vị trí, hạ tầng và tiềm năng phát triển đô thị hiện đại, phường Bến Thành đóng vai trò hạt nhân trong quá trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình và phát triển bền vững". Phường sở hữu nhiều trục đường chính như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt.
Phường Bến Thành mới còn là nơi giao thoa bản sắc đa văn hóa với sự hiện diện của các ngôi đền, chùa, nhà thờ. Phụng Sơn Tự, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất TPHCM, gắn liền với cộng đồng người Hoa, nổi bật với kiến trúc độc đáo và không gian tĩnh lặng.
Chùa được bao bọc bởi những cây xanh cổ thụ, tạo không khí mát mẻ, dễ chịu, cùng một khu vườn nhỏ với cây cảnh và tiểu cảnh được chăm sóc kỹ lưỡng.
Nhà thờ Huyện Sỹ (Thánh Philipphê Tông đồ), gần 130 tuổi, do ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu hiến tài sản xây dựng, là một nhà thờ Công giáo cổ tồn tại hơn một thế kỷ, thuộc giáo xứ Chợ Đũi.
Các chợ truyền thống như Chợ Dân Sinh, Chợ Thái Bình tiếp tục đáp ứng nhu cầu mua sắm và sinh hoạt của người dân, đồng thời là điểm đến quen thuộc cho du khách tìm kiếm những món hàng mang đậm dấu ấn xưa.
Một phần đường Lê Lợi, từ nút giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến chợ Bến Thành, với những tòa nhà cao tầng và trung tâm mua sắm sầm uất, cũng thuộc phường Bến Thành mới, khẳng định vị thế trung tâm của khu vực này.
Phố Tây Bùi Viện, khu vực sôi động được mệnh danh là thiên đường của du khách, với chuỗi dịch vụ đa dạng từ bar, pub, nhà hàng, khách sạn đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, cũng được tiếp nhận vào phường Bến Thành mới, tạo nên một không gian giải trí bậc nhất trung tâm thành phố.
Đặc biệt, ga trung tâm Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên trở thành điểm kết nối giao thông hiện đại và liên vùng của thành phố. Tuyến metro này đã được Tạp chí Time của Mỹ vinh danh vào danh sách 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2025.
Phường Bến Thành mới, với sự hội tụ của các biểu tượng văn hóa, du lịch và hạ tầng hiện đại, đang khẳng định vai trò là trung tâm đa chức năng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của TPHCM.
Bản đồ phường Bến Thành mới (sau khi sáp nhập phường Phạm Ngũ Lão, một phần phường Cầu Ông Lãnh và một phần phường Nguyễn Thái Bình). Đồ hoạ: Bảo Quyên.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/phuong-ben-thanh-trung-tam-da-chuc-nang-cua-tphcm-sau-sap-nhap-20250706142147317.htm
Bình luận (0)