TĂNG TRƯỞNG NÓNG
Theo nhiều chuyên gia về đào tạo trong lĩnh vực y tế, gần đây tuyển sinh - đào tạo lĩnh vực sức khỏe có dấu hiệu tăng trưởng nóng, trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng vẫn bất cập, đặc biệt là về điều kiện thực hành. Trong đó, răng hàm mặt được đánh giá là một trong những chuyên ngành phát triển "nóng" nhất hiện nay của khối ngành sức khỏe.
Sinh viên chuyên ngành răng hàm mặt Trường ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội học thực hành tại phòng khám răng của trường
ẢNH: QUÝ HIÊN
Trong hội thảo mới đây do Bộ Y tế tổ chức tại Trường ĐH Y Hà Nội về chủ đề tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, khi nói về những khó khăn, PGS Tống Minh Sơn, Viện Đào tạo răng hàm mặt, Trường ĐH Y Hà Nội, than phiền một trong những khó khăn của đào tạo thực hành chuyên ngành này là số lượng học viên, sinh viên (SV) tăng quá nhanh. "Năm 2018, khi tôi báo cáo tại một hội nghị thì toàn quốc chỉ có 12 trường (đào tạo chuyên ngành răng hàm mặt - PV). Đến bây giờ là khoảng 20 trường. Năm 2023, tuyển sinh răng hàm mặt của cả nước khoảng 1.800 chỉ tiêu. Đến năm 2024 là khoảng 2.400. Sau một năm tăng 600 chỉ tiêu, đây là một con số tăng rất nhiều", PGS Tống Minh Sơn chia sẻ, rồi nói thêm: "Chúng ta cần phải kiểm soát số lượng tuyển sinh. Chỉ trong một năm mà từng đó chỉ tiêu thì đó là một vấn đề".
TS Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư, cũng bày tỏ: "Thực tế hiện nay là số lượng tuyển sinh chính quy (chuyên ngành răng hàm mặt - PV) quá lớn. Năm vừa rồi tuyển 2.400. Trong khi đó, chuyên ngành răng hàm mặt rất đặc thù, các nước trên thế giới, ngay cả các trường lớn nhất thế giới, người ta chỉ đào tạo khoảng 40 - 50 SV mỗi khóa thôi. Vậy mà chúng ta có trường tuyển sinh tới 200 - 300 SV mỗi khóa. Từ góc độ đơn vị sử dụng người lao động, chúng tôi cực kỳ quan ngại về chất lượng đào tạo. Nhiều SV ra trường chỉ làm được những kỹ thuật rất là đơn giản. Vì thế chúng tôi đề nghị sau này Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT cần quy định về chỉ tiêu tuyển sinh thì phải tính đến số có thể được thực hành lâm sàng…".
NHIỀU HỒ SƠ ĐỦ TIÊU CHUẨN NHƯNG CHỈ TRÊN GIẤY TỜ
Ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - đào tạo (KHCN-ĐT), Bộ Y tế, cho biết thực tế cho thấy trong quá trình cùng Bộ GD-ĐT thẩm định hồ sơ mở mã ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe của một số trường, đại diện Cục KHCN-ĐT cũng nhận thấy có rất nhiều hồ sơ đủ tiêu chuẩn nhưng chỉ là trên giấy tờ.
Trước đề xuất của các trường ĐH, bệnh viện về việc phải đưa ra những quy định chặt chẽ liên quan tới khả năng đảm bảo tổ chức được hoạt động thực hành có chất lượng, ông Nguyễn Ngô Quang cho biết sắp tới khi sửa Nghị định 111 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, ban biên soạn sẽ cố gắng đưa vào nội dung Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế quy định chi tiết các điều kiện cụ thể, chi tiết, như đảm bảo điều kiện thực hành bao nhiêu
SV/giường bệnh thì mới được mở ngành hay đào tạo… Ngoài ra Bộ Y tế hiện cũng đang được giao soạn thảo nghị định đào tạo cho lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, tinh thần là sẽ đưa được các đề xuất hợp lý, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành y.
"Mục tiêu cuối cùng là làm sao chúng ta đảm bảo được chất lượng đào tạo của nguồn nhân lực", ông Nguyễn Ngô Quang nói, đồng thời chia sẻ thêm: "Tôi cũng không hình dung khoảng 5 - 10 năm nữa, tôi và các thầy nghỉ hưu, rồi chúng ta sẽ ốm, sẽ vào bệnh viện. Các bác sĩ, điều dưỡng chữa bệnh, chăm sóc cho chúng ta lại có những sai sót về y khoa. Mà họ toàn là học trò của mình, thì khi đó chúng ta giải trình với xã hội thế nào".
Sinh viên ngành răng hàm mặt học thực hành. Đây được đánh giá là một trong những chuyên ngành phát triển "nóng" nhất hiện nay của khối ngành sức khỏe
ảnh: Phạm Hữu
CÔNG CỤ GIÁM SÁT PHỤ THUỘC VÀO BỘ Y TẾ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, một trong những biểu hiện đặc thù trong đào tạo khối ngành sức khỏe là đào tạo gắn với thực hành. Với đào tạo ngành y, ngoài các quy định chung của Bộ GD-ĐT, Nghị định 111 là căn cứ rất quan trọng. Các quy định về đào tạo, từ việc phát triển chương trình đào tạo đến mở chương trình đào tạo mới, cho tới tổ chức thực hiện đào tạo, tất cả đều gắn với Nghị định 111.
Bà Thủy nói: "Việc Bộ GD-ĐT xem xét cho phép các cơ sở đào tạo mở chương trình đào tạo mới, cũng gắn liền với các yêu cầu tiêu chí trong Nghị định 111. Dù các cơ sở đào tạo được thực hiện tự chủ, nhưng khi một hồ sơ mở ngành mới về sức khỏe, thì theo luật Giáo dục ĐH, hồ sơ đó cần được nhận sự phê chuẩn của Bộ GD-ĐT cũng như Bộ Y tế.
Do đó mỗi khi hồ sơ được gửi đến Bộ GD-ĐT, bao giờ cũng sẽ phải có sự đồng thuận, hay nói cách khác là có sự kiểm tra về đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện đối với cả thực hành, thực tập. Lúc đó, nếu Bộ Y tế có ý kiến thì Bộ GD-ĐT mới xem xét. Việc xem xét căn cứ vào việc cơ sở thực hành, thực tập có phù hợp với việc phát triển chương trình đào tạo, từ khâu chương trình cho đến tổ chức đào tạo, rồi có gắn với cả điều kiện thực hành, thực tập mà Bộ Y tế đã có ý kiến hay không".
Bà Thủy cũng cho biết thêm, Bộ GD-ĐT đang được Chính phủ giao sửa luật Giáo dục ĐH. Nghị định 111 gắn với đào tạo nhưng cũng gắn với cả việc khám chữa bệnh. Do đó, trong thời gian tới, khi sửa luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ phải ý kiến các trường ĐH có đào tạo lĩnh vực sức khỏe để xem xét đối với cả lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực sức khỏe cần được quy định gì từ luật, để có sự gắn kết giữa Nghị định 11 với luật Giáo dục ĐH. Điều này nhằm đảm bảo sự phù hợp, sự nhất quán của luật Giáo dục ĐH với luật Khám chữa bệnh, cũng như với các quy định trong Nghị định 111.
Một vấn đề khác, theo bà Thủy, trong bối cảnh trường ĐH được thực hiện quyền tự chủ hiện nay thì nhà nước sẽ phải có công cụ giám sát. Ví dụ, điều kiện tiêu chuẩn tối thiểu như thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo cho lĩnh vực sức khỏe? "Do đó, chúng tôi rất mong ban soạn thảo dự thảo Nghị định 111 sửa đổi cố gắng rà soát để làm sao Bộ Y tế có công cụ giám sát trong quản lý đào tạo lĩnh vực đặc thù, mà vẫn đảm bảo thực hiện những cái chung của hệ thống giáo dục ĐH", bà nói.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đang phối hợp để triển khai xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo. Điều này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng khi gắn kết với các quy định trong Nghị định 111.
Nguồn: https://thanhnien.vn/qua-tai-dao-tao-thuc-hanh-nganh-y-he-luy-cua-phat-trien-nong-185250411223839704.htm
Bình luận (0)