Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm năm 2025, hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (19/6/1975-19/6/2025), quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tích cực, hiệu quả.
Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ song phương Việt Nam-New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng thực chất
Quan hệ Việt Nam-New Zealand là mối quan hệ song phương có bề dày lịch sử. Hai nước tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm, vào ngày 19/6/1975.
Trong suốt 5 thập kỷ qua, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi nhiều đoàn cấp cao đánh dấu những bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước.
Tháng 5/2005, Thủ tướng hai nước đã ký "Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand," khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước.
Quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm lên thành quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm New Zealand của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 9/2009.
Thủ tướng John Key đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức New Zealand (năm 2009). (Ảnh: Đinh Xuân Tuân/TTXVN)
Việc hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện đã tạo ra xung lực mới cho sự hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới...
Tiếp đó, vào tháng 7/2020, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển và đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Hai nước luôn duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.
Về phía Việt Nam có các chuyến thăm New Zealand của: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 9/2007); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 9/2009); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55-AMM 55 tại Phnom Penh (Campuchia) (tháng 8/2022), thăm chính thức New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ 1 (tháng 9/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) (tháng 6/2023), thăm chính thức New Zealand (tháng 3/2024); gặp Thủ tướng Christopher Luxon nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 44, 45 tại Lào (tháng 10/2024); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thăm và làm việc (tháng 9/2024); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters nhân dịp dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (tháng 10/2024); Chủ tịch nước Lương Cường gặp Thủ tướng Christopher Luxon nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2024 tại Lima (Peru) (tháng 11/2024)...
Về phía New Zealand, có các chuyến thăm Việt Nam của: Toàn quyền Jerry Mateparae (tháng 8/2013); Thủ tướng John Key (tháng 7/2010, tháng 11/2015); Thủ tướng Jacinda Ardern dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng (tháng 11/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Bill English thăm làm việc (tháng 9/2013); Bộ trưởng Ngoại giao Murray McCully thăm làm việc (năm 2010, 2012, 2014, tháng 4/2017); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Damien O’Connor (tháng 8/2018); Thủ tướng Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2022); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Winston Peters thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ 2 (tháng 6/2024)...
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 3/2024 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, trong đó hai bên khẳng định quyết tâm chính trị, quyết tâm tạo đột phá hơn nữa để đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2026.
Trong chuyến thăm này, hai bên đề ra các nội dung được bao quát trong ba cặp từ khóa là “ổn định và củng cố,” “tăng cường và mở rộng,” và “tăng tốc và bứt phá.” Hai bên nhất trí đưa thúc đẩy đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt đội danh dự New Zealand. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hai nước cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương, như: hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (lần đầu tiên vào tháng 9/2022, lần thứ hai vào tháng 6/2024); Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (lần thứ 13 vào ngày 4/2/2025); Đối thoại Biển Việt Nam-New Zealand (lần thứ nhất vào tháng 12/2024 tại Hà Nội); Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và thương mại (lần thứ 8 vào tháng 5/2023); Đối thoại cấp cao về nông nghiệp (lần thứ 2 vào tháng 4/2022); Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng (lần thứ 4 vào tháng 3/2024 tại New Zealand) và Tham vấn quốc phòng cấp Cục Đối ngoại (lần thứ 11 vào năm 2020 theo hình thức trực tuyến)...
Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và New Zealand có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng trên thế giới mà hai nước đều là thành viên như: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các cơ chế hợp tác của ASEAN...
Hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác theo các Hiệp định thương mại tự do cả hai nước cùng tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là lĩnh vực hợp tác có nhiều thế mạnh giữa hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của New Zealand với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 và 2024 đều đạt 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Việt Nam (xếp thứ 41 về xuất khẩu và 37 về nhập khẩu).
Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép; và nhập khẩu từ New Zealand mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại…
Hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 3 tỷ USD vào năm 2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Christopher Luxon chứng kiến Lễ ký văn kiện hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand về hợp tác kinh tế, thương mại. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhân chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 3/2024), hai bên đã ký kết Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand.
Theo Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, Việt Nam và New Zealand có những thế mạnh kinh tế có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với tương lai của hai nước. Hai nước cũng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng ở khu vực như CPTPP và RCEP, tạo cơ hội tận dụng các lợi thế trong trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế, đầu tư.
Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng và tiềm năng trong quan hệ hai nước. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho khoai tây củ thương phẩm, thịt bò đông lạnh, quả kiwi, táo, bí ngô, dâu tây của New Zealand. New Zealand đã cấp phép cho xoài, thanh long, chôm chôm, chanh và bưởi của Việt Nam. New Zealand đang đề xuất mở cửa thị trường cho mật ong, lê, thịt hươu, thịt nai; Việt Nam đề xuất mở cửa thị trường cho nhãn, vải, hoa cắt cành.
Gần đây, trong chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 3/2024), New Zealand đã công bố khoản viện trợ mới trị giá 6,24 triệu đôla New Zealand cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đối với “Dự án phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao (VietFruit)” giai đoạn 3, một hợp tác của Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand với Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cây chanh leo của Việt Nam. Trước đó, dự án tương tự với cây thanh long đã rất thành công.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của New Zealand với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 và 2024 đều đạt 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Việt Nam (xếp thứ 41 về xuất khẩu và 37 về nhập khẩu).
Về đầu tư, tính đến tháng 2/2025, New Zealand có 55 dự án đầu tư với tổng số vốn 208 triệu USD, đứng thứ 39/149 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng.
Một số dự án tiêu biểu là: Aqua Riverside City tại Đồng Nai (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vốn đầu tư đăng ký 115 triệu USD), Công ty TNHH Vàng Bình Định-New Zealand (vốn đăng ký 15 triệu USD).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 12 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 43,9 triệu USD, đứng thứ 30/80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn bán lẻ, phân phối, xuất nhập khẩu, nông nghiệp.
Về hợp tác phát triển (ODA), New Zealand dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm. New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD viện trợ không hoàn lại cho giai đoạn 2021-2024 (tương tự giai đoạn 2018-2021); tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó đại dịch COVID-19.
Hai bên cũng đang thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác mới như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. New Zealand là nền kinh tế phát triển, thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có vai trò quan trọng trong nhiều sáng kiến và liên kết khu vực.
Với Việt Nam, New Zealand là đối tác có nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, kinh tế xanh, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Đại học Victoria. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đặc biệt, trong lĩnh vực đối phó với biến đổi khí hậu, hai nước đang tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, nông nghiệp công nghệ cao và bền vững.
Theo Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, New Zealand có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao công nghệ và giải pháp giảm phát thải carbon. Hai bên đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng, thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như giáo dục-đào tạo, lao động, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân... cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Trong đó, hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác nổi bật, là một trong 3 trụ cột chính của Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024.
Hai nước đã ký Kế hoạch hợp tác chiến lược Việt Nam-New Zealand về giáo dục giai đoạn 2023-2026 (tháng 3/2024), tạo điều kiện cho việc hợp tác liên kết giữa các cơ sở đào tạo cấp đại học giữa hai nước, hỗ trợ Việt Nam cải tiến các mô hình giáo dục thông qua các phương tiện kỹ thuật số, cũng như thiết lập mạng lưới cựu sinh viên; Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand (tháng 11/2022).
New Zealand tiếp tục cấp học bổng cho Việt Nam với 30 suất học bổng/năm cho các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ, duy trì Chương trình đào tạo tiếng Anh cho công chức Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với sinh viên Việt Nam đang học tại Đại học Victoria. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chính phủ New Zealand cam kết đẩy mạnh nền giáo dục quốc tế và đa dạng hóa thị trường giáo dục quốc tế. Hiện ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam chọn New Zealand là điểm đến du học, nhờ nền giáo dục chất lượng cao và các chương trình học bổng hấp dẫn.
New Zealand cũng đang giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, cán bộ quản lý cao cấp, cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên sâu và đội ngũ lao động lành nghề.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sống ở New Zealand có khoảng 14.000 người, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và có tinh thần hướng về quê hương đất nước.
Thúc đẩy những cơ hội hợp tác mới
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (19/6/1975-19/6/2025), 5 năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược (7/2020-7/2025) và là cột mốc quan trọng để hai nước kỳ vọng đưa quan hệ lên tầm cao mới.
Trên đà quan hệ phát triển tốt đẹp thời gian qua, chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Christoper Luxon từ ngày 25-28/2 là một sự kiện đặc biệt.
Chuyến thăm là dịp quan trọng để hai bên đánh giá lại chặng đường hợp tác hữu nghị và đối tác chiến lược vừa qua để cùng định hướng chiến lược quan hệ hai nước trong thời gian dài sắp tới. Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi sâu hơn về các vấn đề lớn của thế giới và khu vực, phát huy sự tin cậy chính trị cao, sự đồng thuận về quan điểm và tầm nhìn của hai quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho biết đây còn là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Christopher Luxon đến Việt Nam kể từ khi ông trở thành người đứng đầu chính phủ liên minh tại New Zealand, với ưu tiên đối ngoại mới là tăng cường quan hệ với ASEAN nói chung và với các quốc gia Đông Nam Á nói riêng, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Christopher Luxon sẽ có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; chào xã giao các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; dự và phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, thể hiện sự coi trọng của New Zealand đối với tổ chức ASEAN.
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung kỳ vọng việc Thủ tướng New Zealand Luxon đến Việt Nam cùng với đoàn doanh nghiệp lớn, gồm nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu, sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối, tạo dựng quan hệ đối tác mới.
Dự kiến trong chuyến thăm, một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, kinh tế thương mại, hàng không, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu sẽ được hai bên ký kết nhân dịp này.
Chắc chắn chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Luxon đến Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp, tiếp tục củng cố lòng tin chính trị chiến lược, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, khai thác tối đa tiềm năng của hai nước, cùng hướng tới một tương lai thịnh vượng./.
(Vietnam+)
Bình luận (0)