Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quan tâm tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn

Sau nông vụ, người dân nông thôn thường rảnh rỗi, nhiều người không có việc làm nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để tận dụng lao động nông nhàn, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác đào tạo nghề, tạo việc làm ngay tại địa phương giúp hội viên có việc làm thêm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống ngay trên quê hương.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định29/04/2025

Nghề thủ công mỹ nghệ ở Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn.
Nghề thủ công mỹ nghệ ở Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn.

Hội Phụ nữ ở các xã, thị trấn, thành phố đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề, giúp hàng nghìn phụ nữ được học nghề phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương như: mây tre đan, thêu thùa, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, rau sạch, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… Đến thăm Tổ hợp tác sản xuất và xuất khẩu ró cói của chị Hoàng Thị Oanh, xóm 9, xã Trà Lũ (Xuân Trường), chúng tôi được biết, tổ hợp tác đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Xuân Trường mở các lớp đào tạo dạy nghề cho lao động nữ, mở ra cơ hội việc làm thiết thực cho nhiều chị em tại địa phương. Chia sẻ về mô hình sản xuất, chị Hoàng Thị Oanh cho biết: “Làm ró cói không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và cẩn thận. Những ngày đầu, tôi trực tiếp hướng dẫn chị em từng công đoạn, động viên để họ gắn bó với nghề. Thu nhập từ công việc tuy chưa cao, nhưng quan trọng là chị em có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi, vừa chăm lo cho gia đình, vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định”. Kể từ khi tổ hợp tác sản xuất và xuất khẩu ró cói phát triển, những phụ nữ nông dân ở đây có thêm việc làm và thu nhập để cải thiện cuộc sống. Bàn tay của các bà, các chị vốn chỉ quen với công việc đồng áng, nay lại thoăn thoắt theo từng đường đan để tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa đẹp vừa thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nghề thêu ren truyền thống của xã không yêu cầu người lao động đến làm việc tại chỗ mà có thể nhận sản phẩm về làm tại nhà đã góp phần tạo việc làm thêm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn; nhờ đó giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.  

Ở thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), nghề làm nón lá đã xuất hiện gần 60 năm nay, tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn hộ dân. Khi từ 18 tuổi bà Nguyễn Thị Ngoan đã được học và làm nghề, sau đó lấy chồng cùng làng nên vẫn duy trì nghề làm nón cho đến nay. Bà chia sẻ, ngày xưa, mỗi chiếc nón làm ra được tính bằng điểm, dao động từ 5 đến 10 điểm/chiếc, rồi cộng điểm lại để đổi lấy thóc. Vì vậy, cả gia đình bà đều miệt mài làm nón. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn đều đặn làm nón mỗi ngày để có thêm thu nhập. Để làm được một chiếc nón hoàn chỉnh, tất cả các công đoạn sản xuất đều được làm thủ công và phần việc nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn như: lên vành, lợp lá (3 lớp), khâu (chằm), cạp vành… Một ngày, mỗi người làm được từ 1 đến 2 chiếc nón. Hiện tại, nghề khâu nón vẫn được duy trì và phát triển, tuy không còn thu hút nhiều người tham gia nhưng vẫn có vài chục hộ làm nghề lúc nông nhàn với 2 loại sản phẩm chính là nón suông và nón thêu. Ngày công của người làm nón suông chỉ khoảng từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày; còn làm nón thêu thì có mức thu nhập cao hơn, khoảng 80 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Tuy thu nhập bình quân của người làm nón còn khiêm tốn so với các nghề khác nhưng người dân nơi đây luôn giữ nghề, vừa để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Trải qua hàng trăm năm, nghề đan lát vẫn được người dân làng Vạn Đồn, thuộc phường Hưng Lộc (thành phố Nam Định) duy trì. Dưới bàn tay tài hoa, sự kiên trì, những sản phẩm thủ công đẹp đẽ, tinh xảo vẫn đều đều xuất xưởng phục vụ cuộc sống. Tại đây vẫn có rất nhiều người “nặng lòng” với nghề đan lát. Những người lớn tuổi, đa phần là phụ nữ không còn làm được việc nặng ngoài đồng, những người trung tuổi không đi làm ở các công ty, khu công nghiệp hàng ngày vẫn miệt mài đến các cơ sở sản xuất lớn làm công. Tranh thủ thời gian buổi đêm, họ còn nhận thêm nguyên liệu để đan. Dưới bàn tay tài hoa của những thợ nghề, mỗi một sản phẩm đan đã được “thổi hồn” thành những vật dụng xinh xắn, độc đáo mang dấu ấn riêng của làng nghề hàng trăm năm tuổi. Những năm gần đây, người dân nơi đây còn rất năng động khi tìm ra hướng đi mới cho nghề truyền thống. Họ không chỉ sản xuất hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt nội địa mà còn làm hàng xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Huế tranh thủ thời gian nông nhàn thường đến cơ sở mây tre đan của chị Đinh Thị Nhu để lấy nguyên liệu về làm. Theo bà, công việc làm thêm nhưng giúp bà có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng, tùy số lượng sản phẩm làm ra. Không chỉ vậy, những người như bà còn góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Còn chị Phạm Thị Huyền ở xã Nam Điền (Nam Trực) mở cơ sở may mặc đã hơn chục năm nay. Bên cạnh tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nữ, chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại nhà với công việc nhặt chỉ thừa. Tuy mức thu nhập không cao, chỉ từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng nhưng cũng phần nào giúp phụ nữ có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

Hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn, vừa giúp chị em có thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống góp phần chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông, không ly hương”.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/quan-tam-tao-viec-lamcho-phu-nu-luc-nong-nhan-4204b55/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm