Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong Vùng duyên hải Bắc bộ dành thời gian nghiên cứu, xây dựng nội dung tham luận đa dạng nhiều chiều, có chất lượng nhằm chia sẻ thông tin, quảng bá về giá trị di sản văn hóa cũng như tiềm năng thế mạnh du lịch của các địa phương và tổng quan về du lịch vùng, nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối các di sản văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiểu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Hải Phòng cho biết: Hải Phòng từ lâu đã được coi là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước; của vùng duyên hải, đồng bằng Bắc Bộ; để tiếp tục khẳng định vị thế của mình; trong điều kiện Trung ương đã có chủ trương cả về chính trị và pháp lý; thì nhất thiết thành phố phải thực sự quan tâm thúc đẩy vấn đề này. Trong đó chắc chắn phải luận giải được vấn đề khởi nguồn và cách bước đi để làm sao lĩnh vực không mới về nội dung là văn hóa ngày càng khẳng định được vị thế, góp phần đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững với hình thức thể hiện tính sáng tạo tiên phong của công nghiệp văn hóa.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Hiểu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Hải Phòng. |
Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc trưng là nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa-tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du khảo đồng quê...
Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với hàng nghìn đình, đền, chùa, miếu mạo cùng kho tàng kiến trúc, mỹ thuật độc đáo như chùa Một Cột, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bút Tháp, đền Đô (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Từ Lương Sâm, Chùa Hàng, Tháp Tường Long (Hải Phòng)... Đây cũng là vùng quê của nhiều lễ hội truyền thống, điển hình là các lễ hội đền Trần, hội Gióng, hội Lim, lễ hội chùa Hương, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ... cùng nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như chèo, quan họ, hát văn, tuồng, múa rối nước...
![]() |
Ông Mai Xuân Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hải Phòng. |
Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, bia đá các khoa thi tiến sĩ Triều Lê-Mạc, hội Gióng ở đền Phù Đồng, đền Sóc (Hà Nội), Ca trù và Quan họ Bắc Ninh.
Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ - nơi đất lành chim đậu, người dân cần cù lao động, giàu lòng mến khách chào đón du khách đến thưởng ngoạn, khám phá, trải nghiệm những giá trị di sản văn hóa và sản phẩm du lịch độc đáo... Chính vì thế, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 30 chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia trong vùng, phấn đấu đến năm 2030 thu hút hơn 120 triệu lượt khách.
Đồng thời, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
![]() |
Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng. |
Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng cho biết: Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của đội ngũ các nhà báo trong công tác tuyên truyền, nhằm quảng bá tiềm năng giá trị di sản văn hóa và thế mạnh du lịch của các địa phương, qua đó, góp phần tạo sự kết nối trong bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản Bắc Bộ.
Các nội dung tham luận chia sẻ tại hội thảo rất có ý nghĩa, thiết thực, góp phần để các nhà báo có thêm nhiệt huyết sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá về hình ảnh thành phố Hải Phòng năng động, sáng tạo và ngày càng đổi mới nói chung, đồng thời thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, quảng bá và kết nối di sản văn hóa Hải Phòng-vùng duyên hải Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng đến nhân dân cả nước.
![]() |
Nhà báo Phạm Thanh Tân, Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Đông Bắc (Báo Tài chính-Đầu tư). |
Nhà báo Phạm Thanh Tân, Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Đông Bắc (Báo Tài chính-Đầu tư) chia sẻ: Để giá trị văn hóa di sản thực sự phát huy nội lực, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và báo chí. Cơ quan nhà nước cần cởi mở hơn, định hướng rõ ràng và tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy sự kết nối liên ngành.
Các doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư, kinh doanh bài bản, đón đầu xu thế và nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của du khách. Có như vậy, di sản mới thực sự sống động giữa dòng chảy hiện đại. Báo chí với chức năng tuyên truyền cũng cần thực sự đồng hành. Nhưng để đồng hành hiệu quả, doanh nghiệp phải chủ động tạo ra sản phẩm, dịch vụ và sự kiện hấp dẫn; cơ quan quản lý phải sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc. Khi đó báo chí tuyên truyền mới trúng và chạm đúng nhu cầu xã hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/quang-ba-ket-noi-di-san-van-hoa-hai-phong-vung-duyen-hai-bac-bo-va-dong-bang-song-hong-post877886.html
Bình luận (0)