Quốc hội chốt bổ sung quy định về tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội

Việt NamViệt Nam17/02/2025


quoc-hoi(1).jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật

Chiều 17/2, với 461/461 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đổi tên kỳ họp bất thường thành kỳ họp không thường lệ

Trước đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thay cụm từ Quốc hội họp bất thường thành Quốc hội họp không thường lệ hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tiếp thu các ý kiến này.

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Luật nêu kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.

Quy định về tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Điều 39 của luật mới quy định về việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp: Đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can; Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự...

Luật cũng quy định đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ mà có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

VN (theo Vietnamnet)


Nguồn: https://baohaiduong.vn/quoc-hoi-chot-bo-sung-quy-dinh-ve-tam-dinh-chi-dai-bieu-quoc-hoi-405421.html

Chủ đề: quốc hội

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available