Ra giêng anh cưới em - Kỳ cuối: Tăng võng che đêm động phòng thời bom đạn

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ15/02/2025

Sau đám cưới, hai người bên nhau được một đêm, hôm sau chàng lên đường vào tiếp quản Đông Hà, nàng ở lại phục vụ bệnh nhân...


Ra giêng anh cưới em - Kỳ cuối: Tăng võng che đêm động phòng thời bom đạn - Ảnh 1.

Cặp vợ chồng Anh Thư - Trần Chiểu chụp hồi còn trẻ - Ảnh: NVCC

Họ gặp nhau trong kháng chiến, yêu nhau và cưới giữa chiến trường. 55 năm đã trôi qua mà câu chuyện nên duyên vẫn còn được cụ ông Trần Chiểu hồi tưởng một cách sinh động, tươi mới như ngày hôm qua và cả kỷ niệm đêm động phòng được đồng đội che chắn bằng... tăng võng thời chiến.

Gái sắc trai tài

Cụ Trần Chiểu, năm nay 85 tuổi, kể bắt đầu chuyện tình của mình trong rừng già tháng 12-1969. Thời điểm ấy người vợ Trương Anh Thư, một cô gái Quảng Trị lớn lên ở Hà Nội vừa tốt nghiệp y khoa được điều động vào chiến trường Quảng Trị làm bác sĩ cho Ban y tế của khu Trị Thiên. Còn ông tốt nghiệp dược khoa ở Hà Nội được điều động đi B chiến trường Quảng Trị từ ba năm trước đó.

Họ gặp gỡ, hẹn hò, yêu nhau và nên duyên vợ chồng ở chiến trường khốc liệt này. "Hồi nớ cùng đơn vị là Ban y tế khu Trị Thiên. Khi mới gặp nhau có cảm tình sơ sơ. Vì tui làm dược, bà làm y nên thường gặp mặt, làm việc cùng nhau và thấy hợp tình hợp ý rồi chính thức hẹn hò" - cụ Chiểu hồi tưởng cơ duyên khởi sự nơi chiến trường xưa.

Lý do nên duyên được kể do đằng gái, một tiểu thư xinh tươi, chăm chỉ công việc, hiếu hòa với mọi người cùng những hình ảnh dần in đậm sâu vào lòng đằng trai. Còn đằng trai "có nhiều tài vặt, rất lịch lãm, rất thư sinh, khác biệt trong khung cảnh chiến trường".

Hồi đó bác sĩ Thư ngoài chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe còn được giao thêm trồng rau màu trên bãi bồi ven suối phục vụ bữa ăn cho đơn vị. "Tui luôn cảm xúc với hình ảnh bà đi tưới rau: hai đầu hai túi ni lông đầy nước, gánh ngang chỗ tui làm. Dáng đi ấy lướt qua vạt nắng, cả nụ cười nữa, hắn đẹp làm sao!"...

Cụ Chiểu kể nhiều lần được nàng khen tài vặt của mình. Hồi đó có người đồng bào tặng miếng thịt nai tươi. Chỉ với nắm gạo và cái vỏ lon sữa bột, ông đã làm nên món bánh cuốn thơm ngon một cách nhanh chóng, tài tình. "Tui kêu nay có thịt nai làm bánh cuốn, mời em ở lại. Bà nhận lời. Thấy tui làm, bà rất ngạc nhiên, quá cảm động, ăn cùng nhau mà bà khen tới khen lui, sau còn nhắc mãi".

Một lần khác có hai đồng nghiệp chuẩn bị đám cưới trong đơn vị. Khi nàng băn khoăn không có áo mới để mặc đám cưới trong tình cảnh tất cả áo xống đều cũ và chẳng ai biết việc vá may. Ông Chiểu tức thì bảo: "Có cách rồi".

Ông tháo rời từng phần chiếc áo cũ của bạn gái rồi áp lên tấm vải trắng y tế, lần lượt cắt theo từng phần và mượn kim chỉ khâu lại thành chiếc áo mới. "Tui vừa khâu áo vừa trò chuyện, bà cảm xúc lắm, kêu tui có nhiều tài vặt mà không ai ngờ tới. Bà bảo anh cái gì cũng biết. Từ đó chúng tôi rất mến phục nhau".

Nên duyên

Hơn 25 năm nay, điều tiếc nuối lớn nhất và được nhắc nhiều nhất của cả gia đình chính là bức ảnh cưới giữa chiến trường của đôi vợ chồng Anh Thư - Trần Chiểu bị cơn lũ lịch sử tháng 11-1999 cuốn trôi đi. Theo lời kể, dù đám cưới giữa mái lán chiến trường nhưng phục trang cô dâu tuyệt đẹp như đám cưới của một tiểu thư ở thủ đô Hà Nội.

Đầu năm 1972, dược sĩ Chiểu cùng một đồng đội xung phong đạp xe đi Hà Nội nhận thuốc trung ương dành cho chiến trường Quảng Trị. Năm ngày trời với bao phen bom đạn hiểm nguy, bao cảnh đổ nát, tang tóc diễn ra trên đường nhưng chẳng hề gì bởi ý chí chàng trai đang hướng vào một việc trọng đại khác. Chàng đem theo bức thư người yêu gửi bố ở Hà Nội, xin cưới mình làm chồng.

"Tôi giao thư trong hồi hộp. Nhưng thật mừng là khi đọc thư xong, cụ đồng ý ngay. Cụ bảo: "Thế cũng tốt. Trong đó thấy hợp nhau thì cứ xây dựng gia đình với nhau. Vào trong đó tùy tình hình mà nhờ đơn vị tổ chức thành hôn chứ gia đình không vào được".

Sau giải phóng Gio Linh 2-4-1972, dược sĩ Chiểu tiếp tục lên đường ra Hà Nội nhận thuốc trung ương hỗ trợ chiến trường Quảng Trị lần 2. Lần này hay tin, lãnh đạo Bộ Y tế tặng quà và chúc mừng hạnh phúc cho lứa đôi.

Tin cưới được chuyển đi, rất nhiều người thân, nhất là bạn bè cô dâu ở Hà Nội vui vẻ đón nhận, chúc mừng kèm rất nhiều quà cưới. Đặc biệt là nhóm bạn khoa y trang bị cho bạn Anh Thư đủ thứ như một tiểu thư đám cưới trong lòng Hà Nội thời điểm ấy. Đó là chiếc áo dài trắng tinh vừa vặn cô dâu, đôi giày trắng, vớ trắng, hoa cài ngực, hoa cài đầu, kẹo Hải Châu, trà Ba Đình, thuốc lá Thăng Long...

Về lại Quảng Trị, mấy thứ ấy sợ bị phê bình "tiểu tư sản", hai người lên trình bày với thủ trưởng tên Sơn. Ông Sơn quyết: "Kệ mi, mi muốn cài chi, mặc chi thì cứ mặc nấy". Đám cưới được tổ chức ở chiến trường Gio An, Gio Linh, Quảng Trị vào tháng 7-1972, do thủ trưởng Sơn làm chủ lễ.

Cô dâu lộng lẫy giữa lán trại sơ tán được mọi người chung tay dựng tạm. Cốc không có thì mỗi người đem bát cơm của mình đến uống trà, ăn kẹo bánh. Đám cưới đơn sơ nhưng rất vui và cũng được chụp ảnh làm kỷ niệm.

Đêm động phòng, cặp đôi được đồng đội cho mượn tăng võng quây quanh mặt sàn lát tạm bằng những thanh tre nứa. Bên nhau một đêm, họ tạm chia tay. Chàng lên đường vào tiếp quản Đông Hà. Nàng ở lại phục vụ bệnh nhân. Đến ngày nghỉ, nàng đi bộ vào Đông Hà đang điêu tàn đổ nát gặp chồng. Họ chính thức bên nhau và có chỗ ở ổn định khi thị xã (nay là TP) Đông Hà được tái thiết...

Sống đời hạnh phúc

Trải qua bao thăng trầm, sáp nhập, di chuyển và thay đổi, vợ chồng cùng gắn bó với ngành y dược cho đến ngày về hưu. Năm 1955, khi 15 tuổi, cậu bé Trần Chiểu đi bộ từ quê Cam Lộ ra đặc khu Vĩnh Linh (cùng tỉnh Quảng Trị) theo học phổ thông.

Hoạt động và tiếp xúc nhiều, được trưởng thành, cậu được kết nạp Đoàn khá sớm, đến tháng 5-1962 thì được kết nạp Đảng, trở thành một trong những đảng viên trẻ đầu tiên của trường trung học đặc khu này.

Sau tốt nghiệp ra Bắc, với ý định học kinh tài (kinh tế tài chính) hoặc hàng hải để chu du khắp nơi nhưng cấp trên đưa ông học dược nhằm phục vụ thống nhất miền Nam. Ông theo học khóa đầu tiên ngành công nghiệp dược phẩm của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau thống nhất, ông tham gia thành lập công ty dược tại Đông Hà, sau đó vào Huế làm Công ty Dược Bình Trị Thiên khi tỉnh này thành lập. Đến năm 1989, tỉnh Quảng Trị tái lập, ông trở lại tỉnh nhà làm việc trong ngành y tế và trở thành phó giám đốc Sở Y tế cho đến khi về hưu năm 2000.

Tương tự, người vợ Trương Anh Thư từng là cháu ngoan Bác Hồ, từng được gặp và chụp ảnh cùng Bác vào tháng 5-1955, theo học ngành y và vào chiến trường. Sau này thống nhất bà tiếp tục làm bác sĩ tại bệnh viện ở Đông Hà.

Khi tỉnh Bình Trị Thiên thành lập năm 1976, bà chuyển vào Huế và giảng dạy tại Trường trung cấp Y tế (nay là Cao đẳng Y tế Huế) cho đến hồi hưu năm 2000. Bà Anh Thư qua đời năm 2010 khi ấy 65 tuổi.

Hai vợ chồng có hai người con gái: người con đầu Trần Thục Anh sinh năm 1973, trong chiến tranh; con gái thứ hai là Trần Hoài Anh, sinh năm 1978. Cả hai đều học giỏi và làm việc khá thành đạt ở TP Huế.

Trong ba người cháu ngoại của họ có người cháu gái nối nghiệp ông bà: đang là sinh viên ngành y đa khoa Trường đại học Y dược Huế và một người cháu trai là sinh viên của Trường đại học Kinh tế Huế. Họ sống gần nhau tại chung cư Xuân Phú, quận Thuận Hóa, TP Huế...

"Tại căn hầm chữ A này... bệnh viện đã tổ chức các đám cưới... Đám cưới của bác sĩ Anh Thư và anh Chiểu dược sĩ có rôm rả hơn. Vì anh Chiểu có ra Hà Nội, gia đình có gửi một số kẹo bánh chuẩn bị đám cưới. Hôm cưới tôi còn dùng chiếc đũa hơ lửa để làm tóc cho Anh Thư giống như uốn phi dê vậy. Bác sĩ Thư vào chiến trường... gian khổ hơn chúng tôi nhiều".

BS NGUYỄN THỊ LỢI

(hồi ký Ký ức một thời, NXB Thuận Hóa 2018)



Nguồn: https://tuoitre.vn/ra-gieng-anh-cuoi-em-ky-cuoi-tang-vong-che-dem-dong-phong-thoi-bom-dan-2025021423234209.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available