Gia đình bà Đinh Thị Én, thôn Nà Pục có cuộc sống khấm khá hơn nhờ xuất khẩu lao động. |
Chìa khóa thoát nghèo
Hồng Thái cách trung tâm tỉnh gần 90km, là xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó dân tộc Dao, Mông, Tày chiếm hơn 70%. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất sản xuất ít chính vì vậy đời sống của người dân luôn gặp không ít khó khăn.
Thế nhưng, những năm gần đây, từ nguồn lực đầu tư của các chương trình, dự án chính sách dân tộc, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt. Người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, cấp đất sản xuất, hỗ trợ cây con giống chất lượng và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã trở thành chìa khóa giúp người dân, nhất là lớp trẻ, mở ra cánh cửa thoát nghèo.
Bà Đinh Thị Én, thôn Nà Pục vẫn không thể quên khoảnh khắc ngày con trai Vương Văn Thắng, sinh năm 1998 sang xứ người XKLĐ. Bà Én bộc bạch: kinh tế của gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng, nương, đến căn nhà xuống cấp cũng không có tiền sửa sang lại. Loay hoay mãi không tìm được lối thoát nghèo, cho đến khi được cán bộ xã bày cách đi XKLĐ, rồi hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách. Năm 2022, con trai tôi được đi XKLĐ tại Đài Loan. Đến nay, gia đình đã trả hết nợ, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Từ số tiền con trai gửi về, bà xây được căn nhà mới khang trang, không còn lo mỗi khi mưa gió nữa.
Cũng như anh Thắng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, cả nhà bốn miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng. Không cam chịu trước cái nghèo, cái khổ anh Lý Văn Sàng, dân tộc Mông, thôn Hồng Ba đã đi khắp nơi, xoay đủ mọi nghề để kiếm sống. Đầu năm 2020, sau khi được dự hội nghị tư vấn XKLĐ tại xã, anh Sàng đã vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để tham gia XKLĐ.
Anh Sàng cho biết: Lúc đầu quyết định đi XKLĐ đến một đất nước xa lạ anh rất lo lắng và bỡ ngỡ. Nhưng được sự động viên của người thân, bạn bè và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương anh đã quyết tâm đi. Công việc chính của anh tại đất nước Nhật Bản là trồng và chăm sóc rau cho một hộ gia đình.
Nhờ sự cần cù và chịu khó, sau 14 tháng XKLĐ anh đã có trên 500 triệu đồng, trừ chi phí anh còn khoản tiền 300 triệu đồng mang về. Từ kinh nghiệm đã học tập được tại Nhật Bản, tận dụng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương anh đã đầu tư trồng rau, và các loại cây ăn quả xứ lạnh, kết hợp chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế.
Trợ lực xuất khẩu lao động
Bí thư Đoàn xã Hồng Thái Vi Văn Tuân, được thanh niên gọi là “thủ lĩnh trẻ”. Từ năm 2023, anh Tuân đã kết nối cùng Công ty cổ phần tập đoàn Tradimexco Việt Nam hỗ trợ nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia XKLĐ. Anh Tuân bộc bạch, qua hơn 2 năm thực hiện, Đoàn xã đã hướng dẫn, hỗ trợ hơn 15 người đi XKLĐ tại các nước Đài Loan, Nhật Bản... Nhiều đoàn viên, thanh niên đã có cơ ngơi ổn định, trả hết nợ và thoát nghèo.
Căn nhà mới xây khang trang của anh Hầu A Thành, sinh năm 1995, thôn Nà Pin, được xây dựng từ tiền XKLĐ. Năm 2022, khi biết được thông tin địa phương có chương trình hỗ trợ thanh niên đi XKLĐ anh đã đăng ký và trúng tuyển. Sau một thời gian học tiếng, anh được đưa đi làm việc có thời hạn 3 năm tại Nhật Bản. Với thu nhập bình quân khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng, anh đã tích góp gửi tiền về cho gia đình để xây căn nhà kiên cố. Số còn lại tháng 10 khi anh về nước anh sẽ đầu tư vào phát triển chăn nuôi tại địa phương.
Đồng chí Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Xác định XKLĐ là con đường ngắn nhất giúp địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, trong những năm gần đây, xã Hồng Thái đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các chính sách của Nhà nước dành cho người tham gia XKLĐ. Toàn xã hiện có hơn 50 người đi XKLĐ tại thị trường các nước Đài Loan, Nhật Bản... Khoản chi phí đi XKLĐ là từ nguồn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo; nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Để người dân yên tâm đi xuất khẩu, chính quyền xã thường xuyên liên kết, tìm kiếm các công ty tuyển dụng có uy tín, để tiết kiệm nhất chi phí cho người dân. Tuy chỉ làm lao động phổ thông, nhưng theo thống kê mỗi người đều có mức lương từ 20 triệu đồng mỗi tháng trở lên. So với thu nhập tại địa phương đó là con số “mơ ước”, đa số lao động đều có tư duy tích lũy, gửi tiền về cải tạo nhà cửa và mua sắm thêm đất nông nghiệp để ổn định cuộc sống khi trở về.
Có thể thấy, XKLĐ đang là một hướng đi đúng đắn, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho người dân, từ đó thực hiện thắng lợi công tác giảm nghèo của xã Hồng Thái nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Bài, ảnh: Lý Thu
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/202507/roi-nuide-thoat-ngheo-a7f149b/
Bình luận (0)