Cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ Nghị định 69
Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 19/5/2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách thu hút vốn ngoại đối với lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, tại các ngân hàng thương mại tham gia chương trình nhận chuyển giao bắt buộc (ngoại trừ những ngân hàng mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được phép tăng từ mức tối đa 30% lên đến 49%.
Điều này mở ra cơ hội cho các ngân hàng như MB, HDBank và VPBank – những đơn vị đang tham gia chương trình chuyển giao – có thể nâng trần sở hữu ngoại, thu hút thêm dòng vốn chiến lược từ bên ngoài.
Các chuyên gia nhận định, quy định mới không chỉ tạo điều kiện để huy động vốn hiệu quả, mà còn hỗ trợ các ngân hàng trong việc củng cố năng lực tài chính, tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR) và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhấn mạnh rằng, Nghị định 69 sẽ giúp các ngân hàng có cơ sở pháp lý để phát hành cổ phần cho cổ đông nước ngoài khi có nhu cầu tăng vốn nhằm hỗ trợ các ngân hàng được nhận chuyển giao.
Chẳng hạn, MB đang lên kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào Ngân hàng MBV trong giai đoạn cơ cấu, trong khi các ngân hàng khác cũng đang chuẩn bị các phương án tương tự.
Cùng với đó, việc tăng vốn sẽ góp phần cải thiện hệ số CAR, trong bối cảnh các ngân hàng nhận chuyển giao được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng rất cao, từ 20% đến 30% mỗi năm.
Đơn cử, HDBank có CAR khá cao (khoảng 14%) nhưng phụ thuộc nhiều vào trái phiếu vốn cấp 2, nên có thể tính đến phương án tăng vốn cấp 1 để giảm chi phí vốn trong dài hạn.
VPBank cũng sở hữu CAR ở mức tương đương và chưa sử dụng nhiều công cụ cấp 2, nên áp lực tăng vốn chưa cấp thiết. Ngược lại, MB có hệ số CAR thấp hơn (khoảng 10%) và chưa phát hành vốn cấp 2, nên có khả năng phải tăng vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại MB có thể là rào cản do lo ngại bị pha loãng.
Về thực trạng sở hữu, theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 13/3/2025, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ hơn 1,4 tỷ cổ phiếu MB, chiếm 23,24% vốn điều lệ, và ngân hàng này hiện chưa có cổ đông chiến lược ngoại.
Tại HDBank, room ngoại đã được chủ động hạ từ 20% xuống 17,5%, với khối ngoại nắm giữ 605,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,25% vốn. Tương tự, VPBank ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 24,87%, tương đương 1,97 tỷ cổ phiếu.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả ba ngân hàng đều chưa chạm ngưỡng giới hạn sở hữu nước ngoài, cả theo quy định pháp luật (30%) lẫn theo điều lệ nội bộ (nhiều ngân hàng tự khóa room ở mức thấp hơn), cho thấy còn dư địa lớn để thu hút thêm vốn ngoại trong thời gian tới – đặc biệt khi trần sở hữu có thể nâng lên tối đa 49% theo quy định mới.
Tác động ngắn hạn còn hạn chế
Mặc dù việc nới room ngoại được đánh giá là một chính sách tích cực, nhưng hiệu quả trong ngắn hạn vẫn còn hạn chế. Theo nhận định của ACBS, yếu tố quyết định không chỉ nằm ở chính sách mà còn phụ thuộc vào nhu cầu tăng vốn của từng ngân hàng, tỷ lệ sở hữu nhà nước và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh hiện nay, khi khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng cổ phiếu ngân hàng, tác động thực tế của chính sách này chưa rõ nét. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, việc nâng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các cổ đông chiến lược.
Trong số ba ngân hàng được đề cập, VPBank hiện đang có cổ đông chiến lược nước ngoài là SMBC (Nhật Bản) – đơn vị cũng sở hữu 50% vốn tại FE Credit. Dù có hệ số CAR tương đương HDBank và phần lớn dựa vào vốn cấp 2, VPBank hiện chưa chịu áp lực cấp thiết về tăng vốn trong ngắn hạn.
Với tỷ lệ room ngoại đang ở mức 24,87%, ngân hàng này có thể tận dụng chính sách mới để gia tăng tỷ lệ sở hữu, nếu xuất hiện nhu cầu huy động vốn, mở rộng hợp tác chiến lược hoặc thoái vốn tại các công ty con.
Tại Đại hội đồng cổ đông gần đây, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng nhấn mạnh: “Room ngoại trên sàn chưa hết nhưng có thể hết bất cứ lúc nào (theo quy định cũ là 30%). Việc được nới room lên 49% là rất quan trọng, giúp chúng ta có thêm điều kiện và cơ hội để tăng tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược hoặc mời thêm nhà đầu tư mới.”
Đối với MB, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái lại cho rằng việc nới room ngoại “không quá quan trọng” với ngân hàng, bởi mục tiêu cốt lõi vẫn là nội lực doanh nghiệp.
Ông cho biết MB đã thu hút được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư trong thời gian qua, nhận được không ít góp ý và thông tin mang tính xây dựng từ các nhà đầu tư có yêu cầu cao về minh bạch thông tin – điều mà MB cũng đặt trách nhiệm lớn trong việc đáp ứng. MB hiện có cổ đông lớn là các tập đoàn nhà nước, đặc biệt là Viettel – giữ vai trò trung tâm trong hệ sinh thái kinh doanh của ngân hàng.
Trong khi đó, HDBank là ngân hàng duy nhất trong ba đơn vị chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và đang tích cực tìm kiếm đối tác phù hợp. ACBS nhận định HDBank có khả năng mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài sớm nhất, do nhu cầu tăng vốn cấp 1 đang ngày càng cấp thiết.
Room ngoại theo điều lệ của HDBank hiện chỉ còn 0,65%, trong khi room tối đa theo quy định pháp luật vẫn còn dư đến 13,15%. Nếu tìm được cổ đông chiến lược nắm giữ khoảng 15–20% cổ phần, ngân hàng hoàn toàn có thể mở room và triển khai kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. ACBS đánh giá, động thái này sẽ có tác động tích cực đến giá cổ phiếu HDBank.
Đáng chú ý, tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, HDBank đã tạo dấu ấn khi công bố kế hoạch thành lập Tập đoàn tài chính – ngân hàng HD Financial Group. Mô hình này sẽ hợp nhất nhiều đơn vị thành viên như Vikki Digital Bank, HD SAISON, HD Securities, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer.
Sự hợp lực giữa các cấu phần không chỉ giúp HDBank mở rộng hệ sinh thái tài chính đa tầng, mà còn tạo nền móng vững chắc cho chiến lược chuyển đổi số và mục tiêu tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Nguồn: https://baodaknong.vn/room-ngoai-duoc-nang-len-49-ngan-hang-nao-se-tien-phong-253191.html
Bình luận (0)