Hút chân không là rút hết khí của thực phẩm, tạo môi trường chân không (không có không khí trong thực phẩm). Phương pháp này có thể ngăn cản sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Nếu làm đúng cách, hút chân không sẽ bảo quản thực phẩm lâu hỏng hơn khi để ngoài môi trường tự nhiên. Mùa vải thiều sắp hết, nhiều chị em trên mạng xã hội truyền tai nhau bí quyết bảo quản trái vải bằng cách hút chân không.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều người đã thử làm và thất bại hoàn toàn. Những trái vải tươi ngon không thể bảo quản được lâu, ngược lại còn hỏng nhanh hơn cả việc để ở nhiệt độ phòng. Sau vài ngày, túi chân không phồng lên như bong bóng, vải nhũn ra, có mùi lạ không thể ăn được.
TS Vũ Thị Tần, giảng viên Hóa vô cơ, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Vải chín chứa nhiều đường nên dễ lên men. Khi hút chân không xong, dù để trong ngăn mát nhưng quá trình lên men của các loại vi khuẩn yếm khí vẫn diễn ra dẫn đến sinh ra khí CO₂ làm túi phồng lên, vải bị thối, mềm nhũn".
Một người trên mạng xã hội chia sẻ sai lầm của mình khi bảo quản vải bằng cách hút chân không
Ảnh: Chụp màn hình
Với kinh nghiệm của mình, TS Tần chia sẻ một cách bảo quản vải thiều cực kỳ đơn giản:
Vải sau khi mua về nếu muốn bảo quản ăn dần trong tuần mà vẫn giữ được độ tươi ngon thì rửa nhẹ với nước muối loãng, để ráo. Sau đó, cho vải vào hộp kín, lót vài tờ giấy ăn để hút ẩm rồi để trong ngăn mát tủ lạnh. Ngoài ra, nếu muốn ăn vải trái mùa, nhiều bà nội trợ còn mang vải đi trữ đông.
"Ngoài ra, một số người bán trái cây còn không nên rửa nước, cứ để vải khô rồi cho vào hộp kín có lót thêm giấy hút ẩm là ổn. Mọi người đừng hút chân không vải thiều, vừa không hiệu quả, vừa tốn tiền mua túi và lại xả rác nhựa ra môi trường nhiều", TS Tần nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sai-lam-khi-hut-chan-khong-de-bao-quan-vai-thieu-185250626062012172.htm
Bình luận (0)