Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sẵn sàng cho “cuộc đụng đầu lịch sử”

(Baothanhhoa.vn) - “Chỉ cần 12 ngày, tất cả các mục tiêu trong danh sách này (danh sách những mục tiêu đánh phá ở miền Bắc Việt Nam-PV) sẽ bị phá hủy, nếu sử dụng toàn bộ lực lượng không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương”. Đó là ước tính của những “kiến trúc sư chiến tranh” quân đội Mỹ, về cuộc chiến leo thang đánh phá miền Bắc. Nhưng câu trả lời của quân và dân miền Bắc đã chứng minh: Chúng đã nhầm!

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa03/04/2025

Sẵn sàng cho “cuộc đụng đầu lịch sử”

Bộ đội chủ lực và dân quân địa phương tập luyện để sẵn sàng bắn rơi máy bay Mỹ trên mặt trận Hàm Rồng. Ảnh: Tư liệu

Các cuộc leo thang đánh phá miền Bắc được đế quốc Mỹ xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhằm hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam Việt Nam. Song song với quá trình đưa lục quân vào miền Nam, Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trên quy mô lớn, với cường độ ngày càng dữ dội. Đứng trước âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược của Mỹ, ngay từ đầu năm 1964, Đảng ta đã sớm có kế hoạch và biện pháp đối phó.

Hội nghị Phòng không Nhân dân toàn miền Bắc (đầu năm 1964), đã tập trung bàn các biện pháp triển khai và tăng cường hệ thống phòng không Nhân dân 3 thứ quân; biện pháp thực hiện kế hoạch sơ tán, phân tán Nhân dân và nhà máy, công xưởng sản xuất khỏi những vùng trọng điểm địch đánh phá. Cùng với đó, lực lượng vũ trang gấp rút chấn chỉnh biên chế, tổ chức và tăng cường về quân số. Các đơn vị được lệnh tổ chức báo động, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn chỉnh phương án chiến đấu, triển khai lực lượng theo hướng tập trung hỏa lực bảo vệ các mục tiêu chủ yếu; đồng thời, hình thành lực lượng chiến đấu tại chỗ, rộng khắp. Quân chủng Hải quân từ tháng 7/1964 chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tăng cường tuần tiễu vùng biển ven bờ, tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương ở vùng biển Quân khu 4. Các quân chủng, binh chủng khác cũng gấp rút hình thành phương án chiến đấu, bảo đảm giao thông trong điều kiện chiến tranh lan rộng ra cả nước.

Ngoài ra, các địa phương cũng tổ chức tập dượt huấn luyện chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sơ tán, phân tán tài sản và Nhân dân. Tại các vùng ven biển, vùng giới tuyến quân sự, vùng biên giới phía Tây, lực lượng vũ trang Nhân dân địa phương được phổ biến kế hoạch phòng chống bộ binh, máy bay, tàu chiến và pháo binh địch. Lực lượng vũ trang địa phương tăng cường tuần tiễu, bố phòng nhằm chống sự đột nhập, phá hoại của địch. Các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với công an vũ trang, dân quân tự vệ triển khai kế hoạch phòng thủ. Trong vùng nội địa, các binh đoàn chủ lực tập kết tại những khu vực quy định, sẵn sàng cơ động chiến đấu ở các hướng cần thiết... Như vậy, cuối năm 1964, đầu năm 1965, miền Bắc đã được chuẩn bị một bước căn bản và đặt trong tư thế sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ.

Giữa lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực, khẩn trương triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu, cuối tháng 3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Đây được xem như một “hội nghị Diên Hồng” trong thời đại Hồ Chí Minh, với lời khẳng định sắt đá về ý chí chiến đấu của Nhân dân ta: "Nếu chúng liều lĩnh đụng đến miền Bắc, thì chúng nhất định sẽ bị thất bại thảm hại”! Khắc ghi lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Người: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Thanh Hóa đã đặt quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành địa phương có tiềm lực kinh tế và quốc phòng, sẵn sàng đối phó với mọi hành động phá hoại của đế quốc Mỹ và sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định: “Trọng điểm địch đánh phá quân khu vào lúc này là Thanh Hóa, trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng, bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần bảo vệ giao thông thông suốt”. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân, chuyển hướng phát triển kinh tế, văn hóa, giao thông vận tải sang thời chiến, chuyển hướng công tác tư tưởng và tổ chức đáp ứng yêu cầu mới. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo bổ sung, sửa đổi các phương án tác chiến, sơ tán phòng không, các phương án xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các Ty Thủy lợi, Ty Giao thông và các ngành liên quan tiến hành ngụy trang bảo vệ các công trình; các ngành thương nghiệp, lương thực, xăng dầu sơ tán kho hàng hóa; lực lượng công an tập duyệt các phương án phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn trật tự xã hội khi máy bay địch đánh phá. Ngoài ra, các ngành bưu điện tổ chức các tổ máy trực chiến, mắc thêm loa phát tín hiệu phòng không; ngành y tế tổ chức huấn luyện phẫu thuật, tổ chức các đội cấp cứu, cứu thương...; ngành giao thông chuẩn bị các phương tiện, lực lượng sẵn sàng sửa chữa cầu đường và phục vụ chiến đấu; ngành lâm - nông nghiệp, điện lực và các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực chuẩn bị lực lượng tham gia chiến đấu. Riêng khu vực thị xã Thanh Hóa dân quân tự vệ đã xây dựng 7 cụm chiến đấu và thành lập 7 trạm cấp cứu, tải thương. Các lực lượng tự vệ tăng cường thêm các loại súng...

Nhận định rõ âm mưu của địch sẽ đánh phá Thanh Hóa, mà trọng điểm là khu vực Hàm Rồng, Bộ Tư lệnh Phòng không điều 2 đại đội pháo 57 ly của Trung đoàn 234; Bộ Tư lệnh Quân khu 3 điều động về Thanh Hóa 4 đại đội pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 213. Sau đó lại điều động thêm một Đại đội 37 ly và một Đại đội 14,5 ly của Sư đoàn 304 và Sư đoàn 350 về khu vực Hàm Rồng. Ngày 3/3/1965, Bộ Tư lệnh Phòng không tăng cường cho Thanh Hóa Tiểu đoàn 14 cao xạ 37 và 14,5 ly phối hợp với các đơn vị của Quân khu, của Tỉnh đội chiến đấu.

Với sự chuẩn bị toàn diện kể trên, lần đầu tiên trên một mặt trận chống chiến tranh phá hoại, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ cùng phối hợp chiến đấu. Các lực lượng tham gia chiến đấu tại khu vực Hàm Rồng được tổ chức thành 5 cụm hỏa lực hỗn hợp, lấy đơn vị đại đội pháo cao xạ làm nòng cốt. Mỗi cụm hỏa lực đều có khả năng chiến đấu độc lập trên từng hướng được phân công, đồng thời có thể phối hợp có hiệu quả đối với các đơn vị bạn. Cụm phía Bắc cầu gồm Đại đội 3 pháo 57 ly của Trung đoàn 234, Đại đội 17 pháo cao xạ 37 ly đóng ở Yên Vực và 3 trận địa của dân quân Yên Vực. Trận địa này trực tiếp đánh địch từ hướng Đông Bắc và hướng Bắc, khi cần thiết phối hợp yểm trợ cho hướng tây Nam và đón đánh địch khi chúng lợi dụng dãy núi Hàm Rồng bổ nhào từ hướng Tây sang.

Phía Nam có 2 cụm, gồm: (1) Cụm thị xã có Đại đội 3 pháo cao xạ 37mm và Đại đội 4 pháo cao xạ 14,5 ly của Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 330 và các đơn vị tự vệ thị xã triển khai trận địa chiến đấu ở ga Thanh Hóa và Bờ Hồ. Cụm này có nhiệm vụ đánh địch từ phía Nam và khống chế địch không cho chúng tiếp cận mục tiêu Hàm Rồng, trực tiếp bảo vệ nhà ga Thanh Hóa và thị xã. (2) Cụm Nam Ngạn có Đại đội 2 pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 213, triển khai trận địa chiến đấu tại Đình Hương và 3 trận địa tự vệ Nam Ngạn. Cụm này làm nhiệm vụ đón đánh địch khi chúng lọt vào gần mục tiêu, khống chế hướng Đông Nam và phối hợp với bộ phận hải quân.

Cụm phía Tây Nam gồm Đại đội 1 pháo 57 ly của Trung đoàn 234 đóng ở trận địa Đông Tác; Đại đội 4 pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 213 đóng ở đồi không tên; Đại đội 4 pháo cao xạ 14,5 ly của Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 350 đóng ở đồi 75 và 3 trận địa của tự vệ nhà máy điện có nhiệm vụ đánh địch từ hướng Tây Nam, trực tiếp bảo vệ cầu và nhà máy điện Hàm Rồng. Cụm 2 mố cầu gồm Tổ trung liên Phạm Gia Huấn, Nguyễn Hữu Nghị, Trần Văn Liền của Tỉnh đội Thanh Hóa, chốt trên núi Ngọc; Trung đội cao xạ 14,5 ly của Tỉnh đội đóng trên đồi 74 (núi Rồng); Tổ trung liên của phân đội 3 Công an Nhân dân vũ trang, tự vệ Lò Cao, Đồn Công an cảnh sát Hàm Rồng. Cụm trận địa này tuy không có các loại pháo cao xạ lớn nhưng giữ vị trí quan trọng đánh địch ở tầm thấp bảo vệ cầu. Ngoài ra, Đại đội 4 pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 213 và Đại đội 4 pháo cao xạ 14,5 ly Tiểu đoàn 14 được sự hỗ trợ của Nhân dân đã khai thác triệt để thế mạnh của địa hình, vượt qua khó khăn đưa súng, pháo, đạn dược xây dựng trận địa ngay trên các đỉnh đồi không tên, đồi 75...

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, mặt trận Hàm Rồng đã sẵn sàng cho “cuộc đụng đầu lịch sử” ngày 3,4/4/1965. Quân và dân Thanh Hóa quyết tâm đóng góp công sức, hy sinh máu xương để cùng quân, dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Lưu Kiệt

(Bài sử dụng các tư liệu trong cuốn “Hàm Rồng - Cuộc đụng đầu lịch sử”, NXB Thanh Hóa - 2010).

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/san-sang-cho-cuoc-dung-dau-lich-su-244313.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm