Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem là "kho báu" để ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, nhân giống nhân tạo để đem lại nguồn lợi thủy sản và hiệu quả kinh tế cao

Từ mô hình giống cá nâu

Cá nâu được biết đến là một trong số các loài đặc sản của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, được nhiều người ưa chuộng. Thời gian qua, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất giống cá nâu phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm cho người dân, doanh nghiệp. Sau hơn 5 năm nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá nâu đã ổn định.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, thời gian qua, sản phẩm nguồn cá giống chất lượng cao đã được cung ứng cho một số doanh nghiệp và các hộ nuôi nhỏ lẻ nuôi thương phẩm ở các vùng nuôi như xã Điền Hương (nay là xã Phong Thạnh, TX. Phong Điền) và rải rác trên các vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ngoài ra, đã có hơn 30 vạn con giống cá nâu được thả tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các khu bảo tồn dọc hệ đầm phá,đem lại nguồn lợi đặc sản phong phú, hiệu quả kinh tế cho cư dân khai thác, nuôi trồng ở địa phương.

Quy trình công nghệ sản xuất cá nâu mang lại những ưu điểm nổi bật. Trong đó, việc quản lý đàn cá bố mẹ nuôi vỗ có thể được thực hiện trong lồng bè hoặc ao và cung cấp các thông số kỹ thuật nhân giống; khắc phục được những tác động tiêu cực do biến đổi môi trường, dịch bệnh trên cá, thiên tai, lũ lụt... Quy trình kỹ thuật ấp trứng và ươm ấu trùng có thể thực hiện trong bể hoặc ao. Trong đó, kỹ thuật ấp trứng và ươm ấu trùng trong ao được coi là giải pháp kỹ thuật đơn giản và có thể áp dụng rộng rãi, linh hoạt hơn. Điều này mở ra cơ hội sản xuất ở quy mô thương mại do giảm chi phí nhân công so với sản xuất trong bể nhựa/composite hoặc bể xi măng.

Kết quả nghiệm thu cho thấy, quy trình công nghệ sản xuất giống cá nâu ổn định và đạt tỷ lệ sống của cá bố mẹ là 80%; tỷ lệ thành thục > 80%; tỷ lệ sinh sản của cá bố mẹ > 75%; tỷ lệ thụ tinh > 85%; tỷ lệ nở > 80%; tỷ lệ sống từ giai đoạn cá bột đến cá giống ≥ 5%. Qua quá trình sản xuất thử nghiệm, tính toán hiệu quả kinh tế trên 10 vạn giống cá nâu xuất ra thị trường, với tổng số cá bố mẹ cần 50 cặp, tổng chi phí dự kiến khoảng 105 triệu đồng, tổng doanh thu 150 triệu đồng và lợi nhuận thu được khoảng 45 triệu và tỷ suất lợi nhuận đạt 30%.

Triển vọng cho vùng đầm phá

Hầu hết các địa phương ở TP. Huế đều có vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng đó là, phần lớn người tham gia khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. đều nhỏ lẻ, không chủ động được nguồn giống. Phương thức nuôi chưa đúng quy trình kỹ thuật, thu hoạch sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái, giá không ổn định... Đây là những yếu tố làm nghề nuôi thủy, hải sản ở vùng đầm phá còn thiếu bền vững.

Để khắc phục những hạn chế và phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đất ngập nước rộng lớn được thiên nhiên ban tặng, những năm qua, ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, du lịch, cùng chính quyền địa phương đã tập trung nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Riêng về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thời gian gần đây, các địa phương đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN trong việc nhân giống nhân tạo một số loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: nâu, đối, vẩu, hồng, mú, dìa... Nhiều mô hình nuôi cá vẩu, cá nâu, nuôi xen ghép tôm - cá - cua... cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập lên đến 400 triệu đồng/năm từ nuôi cá lồng...

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, nghề nuôi trồng thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được đánh giá sẽ đem lại triển vọng phát triển bền vững nếu các doanh nghiệp, hộ nuôi tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật nuôi mới. Ngay cả chính quyền địa phương, các chi hội nghề cá... cũng cần khuyến khích các hộ nuôi cùng tổ chức sản xuất nuôi trồng theo hướng tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nếu chủ động được con giống, phát triển liên kết chuỗi giá trị... sẽ thu hút nguồn lao động địa phương tham gia vào nghề này, góp phần giải quyết việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân.

Hiện nay, ngoài ứng dụng những đề tài, nhiệm vụ KH&CN vào khai thác, nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá, Sở KH&CN đang đề xuất Bộ KH&CN xem xét, hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về "Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai TP. Huế". Đây sẽ là cơ hội mở ra hướng phát triển liên kết đa ngành, giúp nâng cao đời sống của người dân, tạo ra sản phẩm có giá trị, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá, ven biển.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG