Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sao thế Mỹ Đình ơi!

Sân Mỹ Đình xuống cấp nghiêm trọng, mặt sân như ruộng cày, nhiều phòng chức năng dột nước, trang thiết bị cũ nát... là điều đã xảy ra suốt nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ05/04/2025

Mỹ Đình - Ảnh 1.

Sân Mỹ Đình từng là niềm tự hào của thể thao Việt Nam nhưng nay xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Mới đây, ngày 3-4 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu và có phương án khai thác SVĐ quốc gia Mỹ Đình. 

Bảo đảm khai thác hiệu quả, tránh lãng phí và xuống cấp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-4-2025. Đây là lần thứ hai trong 2 năm qua Thủ tướng phải lên tiếng về tình trạng cơ sở vật chất thể thao, trong đó có sân Mỹ Đình.

Công trình triệu đô

Sân Mỹ Đình nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia, tọa lạc ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Đây là một trong những công trình thể thao hiện đại nhất Việt Nam. Sân được khánh thành và đi vào sử dụng từ năm 2003, có sức chứa khoảng 40.000 khán giả, kinh phí xây dựng thời điểm đó khoảng 53 triệu đô la. 

Sân Mỹ Đình từng là địa điểm tổ chức hai kỳ SEA Games 2003 và 2022. Đây cũng là sân diễn ra các trận đấu quốc tế quan trọng của đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Khu liên hợp thể thao quốc gia (khu liên hợp) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Thể dục thể thao. Trước năm 2012, khu liên hợp sống bằng ngân sách nhà nước, mỗi năm được rót trên dưới 10 tỉ đồng. Từ năm 2012 đến nay, khu liên hợp được Bộ VH-TT&DL cho thực hiện cơ chế tự chủ tài chính 100%.

Để có thể tự nuôi chính mình, khu liên hợp cho thuê đất và dịch vụ tại đây để có tiền trả lương cho cán bộ nhân viên và duy tu, bảo dưỡng công trình. Dù vậy, trong quá trình tự chủ tài chính, khu liên hợp đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. 

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp.

Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, số tiền vi phạm lên đến gần 777 tỉ đồng. Hai vụ việc sai phạm đã được chuyển cơ quan điều tra.

Những năm qua, Cục Thuế Hà Nội đã nhiều lần cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản của khu liên hợp vì số tiền nợ khổng lồ này. Do không có khả năng trả nợ, số nợ của khu liên hợp ngày càng tăng lên do chậm nộp. 

Số tiền nợ thuế của khu liên hợp tính đến năm 2024 đã lên tới khoảng 1.000 tỉ đồng và đơn vị này từng nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng cho biết hoàn toàn không có khả năng chi trả.

Nợ nần ngập đầu, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng

Mặc dù khánh thành từ năm 2003 nhưng cho đến nay sân Mỹ Đình chưa một lần được sửa chữa quy mô lớn. Kinh phí để duy tu bảo dưỡng cũng không có, nên tình trạng xuống cấp từ mặt cỏ đến phòng chức năng, trang thiết bị là điều được dư luận phản ánh liên tục nhiều năm qua.

Năm 2009, đường chạy SVĐ Mỹ Đình bắt đầu xuống cấp khiến hệ thống giải điền kinh quốc gia không được tổ chức ở đây trong nhiều năm. Vậy nhưng cũng phải đến năm 2016, dự án cải tạo đường chạy mới được ì ạch sửa và hoàn thiện vào đầu năm 2020.

Riêng mặt cỏ sân Mỹ Đình, được thay mới từ năm 2011, sau 14 năm mặt cỏ xuống cấp và luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi các đội bóng đến đây thi đấu. 

Tháng 12-2024, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã không thể đăng ký sân Mỹ Đình làm sân nhà cho đội tuyển Việt Nam đấu tại ASEAN Cup vì mặt cỏ không đủ tiêu chuẩn. Đội tuyển quốc gia sau đó đã di chuyển lên đá tại sân Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Năm 2022, khu liên hợp từng được Chính phủ cấp 408 tỉ đồng để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có khoảng 150 tỉ đồng để sửa chữa sân Mỹ Đình. Với sự xuống cấp toàn diện của sân Mỹ Đình, số tiền này như muối bỏ bể. 

Kết quả là sau SEA Games 31, sân Mỹ Đình vẫn nhếch nhác, dột nước, mặt cỏ xấu. Năm 2025, vì mặt sân Mỹ Đình vẫn không được khắc phục nên VFF tiếp tục đưa đội tuyển quốc gia vào sân Bình Dương đấu vòng loại Asian Cup và các trận giao hữu quốc tế.

Trước đó, trong các văn bản gửi Bộ VH-TT&DL, khu liên hợp đã nhiều lần được xin khoanh khoản nợ thuế nhà nước khoảng 1.000 tỉ đồng không có khả năng chi trả. 

Khoản nợ khổng lồ này được diễn ra trong khoảng thời gian từ 2009 - 2018, trong giai đoạn ông Cấn Văn Nghĩa (hiện đã nghỉ hưu) làm giám đốc khu liên hợp. Hiện mỗi hợp đồng kinh doanh của khu liên hợp phải đóng 8% để trả nợ thuế cho Nhà nước.

Dù vậy, từ năm 2023, Bộ Tài chính đã có văn bản khẳng định không có cơ sở để khoanh nợ cũng như không tính tiền chậm nộp 941,7 tỉ đồng của khu liên hợp. 

Bộ Tài chính cho rằng theo quy định của Luật Quản lý thuế về các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế thì khu liên hợp không thuộc trường hợp được khoanh tiền thuế nợ và không tính tiền chậm nộp.

Mỹ Đình - Ảnh 2.

Lần thay cỏ gần nhất của sân Mỹ Đình đã diễn ra từ năm 2011 - Ảnh: K.XUÂN

Giải pháp nào cho sân Mỹ Đình?

Là công trình triệu đô nhưng nhiều năm qua sân Mỹ Đình thực sự là nỗi ám ảnh với các đội bóng phải thi đấu ở đây và người hâm mộ đến sân. Ngày 30-3, HLV hai đội bóng Thể Công - Viettel và Hoàng Anh Gia Lai khẳng định với chất lượng mặt sân tệ hại, đấu trên sân Mỹ Đình dễ xảy ra chấn thương cho cầu thủ. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Thể dục thể theo cho biết dự kiến giữa năm nay ngân sách sẽ cấp 8 tỉ đồng để thay mặt cỏ sân Mỹ Đình sau 14 năm sử dụng. Hy vọng khi thay mặt cỏ mới, tình trạng này sẽ được khắc phục.

Ông Nguyễn Trọng Hổ - giám đốc khu liên hợp - cho biết khu liên hợp gặp rất nhiều khó khăn những năm qua vì khoản nợ thuế khổng lồ không có khả năng chi trả. Vì là đơn vị sự nghiệp tự chủ 100%, nếu khu liên hợp không được khai thác kinh doanh đa dạng cơ sở vật chất để cho thuê thì khó có nguồn thu để hoạt động, có tiền bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

Ông Hổ nói: "Năm 2021 khu liên hợp đã trình Bộ VH-TT&DL đề án khai thác tài sản công và được bộ thông qua năm 2023. Dù vậy có một số vướng mắc khiến rất khó triển khai như hầu hết các hạng mục cho thuê chỉ được ký hợp đồng 1 năm. 

Vì thời gian quá ngắn nên khó có thể làm việc với các đối tác lớn, các hạng mục cho khai thác kinh doanh bị bó hẹp nên khó kiếm nhà đầu tư, các diện tích đất trống của khu liên hợp còn nhiều nhưng cơ chế không mở nên không khai thác được".

Trước đó vào năm 2021, khu liên hợp cũng trình Bộ VH-TT&DL đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên kết nhưng đề án này hiện vẫn "treo", chưa có câu trả lời.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 3-4-2025, Bộ VH-TT&DL sẽ phải khẩn trương tìm ra giải pháp để khai thác sân Mỹ Đình, giúp đơn vị này tháo gỡ khó khăn trong quá trình tự chủ tài chính. 

Đồng thời qua đó có thêm kinh phí để duy tu bảo dưỡng, hạn chế tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại đây. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tổng nguồn thu của khu liên hợp năm 2024 vào khoảng 30 tỉ đồng trong khi nhu cầu thực tế khoảng 70 - 80 tỉ đồng.

Thẩm quyền thuộc Bộ VH-TT&DL

Mới đây, ngày 27-2-2025 Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đã ký văn bản trả lời Bộ VH-TT&DL về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của Khu liên hợp thể thao quốc gia.

Trong văn bản này, Bộ Tài chính khẳng định: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích liên doanh, liên kết cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Không còn quy định phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính đối với đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết.

Căn cứ các quy định trên, Bộ Tài chính cho biết Bộ VH-TT&DL là đơn vị chỉ đạo việc sử dụng tài sản công của Khu liên hợp thể thao quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
KHƯƠNG XUÂN

Nguồn: https://tuoitre.vn/sao-the-my-dinh-oi-2025040422160796.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm