TS Phạm Hy Hiếu (SN1992), cựu học sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu, thành viên kỹ thuật tại xAI (Hoa Kỳ), là một trong những nhà khoa học đầu tiên được thông qua chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Về việc trở thành giáo sư thỉnh giảng cho Đại học Quốc gia TPHCM, TS Phạm Hy Hiếu chia sẻ, cuối năm 2024, khi về nước, anh có dịp gặp PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc đại học này.
TS Phạm Hy Hiếu (Ảnh: VNUHCM).
Trong bữa ăn tối thân mật, thầy Quân đã chia sẻ về mục tiêu của chương trình Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia. TS Phạm Hy Hiếu nhận thấy chương trình sẽ tạo điều kiện để mình có thể đóng góp cho trường.
Trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia, TS Nguyễn Hy Hiếu muốn chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc của mình với các bạn giảng viên, sinh viên của trường, cũng như lắng nghe từ họ những vấn đề thực tiễn trong môi trường AI của Việt Nam.
Cụ thể, trong vai trò giáo sư thỉnh giảng, TS Nguyễn Hy Hiếu có 2 mục tiêu chính, gồm:
Thứ nhất là tạo điều kiện cho các bạn sinh viên được tiếp xúc với các hướng nghiên cứu mới nhất và mang tính thực tiễn nhất trong AI.
Nghiên cứu AI đòi hỏi lượng vốn đầu tư cực kỳ lớn. TS Hiếu lấy ví dụ, một cỗ máy gồm 8 chip AI hiện đại vào năm 2025 được bán với giá 500.000 USD và thường thì chúng ta cần vài chục nghìn cỗ máy như vậy mới có thể tạo ra được một AI như DeepSeek.
Với số vốn này, không chỉ có các đơn vị giáo dục ở Việt Nam các học viện lớn trên thế giới như Cambridge, Stanford, hay MIT, cũng chẳng có cách nào tiếp xúc được với nguồn vốn này. Vậy làm sao để chúng ta tham gia vào các hướng nghiên cứu này?
Câu trả lời của TS Hiếu là chúng ta phải nhìn ra được cách để thực hiện các nghiên cứu ở mức độ nhỏ hơn nhưng phải nhìn thật kỹ để đảm bảo rằng những quan sát và đóng góp của chúng ta ở mức độ nhỏ vẫn có giá trị ở mức độ lớn.
Anh muốn chia sẻ với sinh viên cách để phát hiện ra những nghiên cứu ở mức độ nhỏ như vậy và hướng dẫn các bạn thực hiện một vài nghiên cứu theo hướng đó.
Thứ hai, anh muốn tìm hiểu xem các nghiên cứu về AI ở Đại học Quốc gia TPHCM thường gặp phải các khó khăn, thử thách nào. Các bạn thiếu vốn đầu tư, thiếu đầu ra cho các nghiên cứu, hay là thiếu định hướng, hay là một tổ hợp các vấn đề trên, hay cái gì khác?
Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề này, kết hợp với chuyên môn của mình, TS Hiếu mong muốn giúp cho việc nghiên cứu AI ở Đại học Quốc gia TPHCM phát triển hơn.
Năm 2015, TS Phạm Hy Hiếu tốt nghiệp loại giỏi ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ và được trao Giải thưởng Ben Wegbreit dành cho luận văn danh dự xuất sắc nhất.
Sau đó, anh nhận bằng tiến sĩ (PhD) ngành học máy và ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ, nơi anh là sinh viên đầu tiên được Google Brain tài trợ toàn bộ học phí và hạ tầng tính toán.
Anh từng làm việc ở "bộ não" của Google (Google Brain) giai đoạn 2020-2023 với vai trò nhà nghiên cứu, đồng thời giữ vị trí Phó Giáo sư kiêm nhiệm tại Khoa Kỹ thuật điện, Đại học Quốc gia Singapore (4/2021-3/2023).
Anh cũng được bầu chọn trở thành 1 trong 30 Under 30 năm 2019 của Forbes Vietnam.
TS Phạm Hy Hiếu hiện là thành viên kỹ thuật tại xAI, Hoa Kỳ (công ty AI do tỷ phú Elon Musk thành lập). Tại đây, anh tham gia tối ưu hóa nhân attention cho mô hình Grok-3.
Trước đó, TS Hiếu từng là nhà nghiên cứu tại Công ty Augment Computing (3/2023-7/2024), góp phần quan trọng đưa công ty từ giai đoạn khởi nghiệp đạt mức định giá 1 tỷ đô la Mỹ.
Một số thành tích cá nhân của Phạm Hy Hiếu:
- Học bổng toàn phần Đại học và Thạc sĩ của Đại học Stanford
- Tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng danh dự
- Giải thưởng luận văn Khoa học máy tính xuất sắc nhất khóa 2015 của ĐH Stanford
- Học bổng toàn phần Tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon (CMU)
- Được Apple, Facebook, Microsoft, và Google mời làm việc
- Tham gia nghiên cứu công nghệ deep learning tại Baidu
- Đại diện Stanford tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM ICPC (2014)
- Huy chương bạc kỳ thi lập trình khu vực Tây Bắc Mỹ - Thái Bình Dương (2012, 2013, 2014)
- Huy chương bạc Olympic toán học Quốc tế (2009)
- Huy chương vàng toán học Olympic 30/4 (2008)
- Huy chương vàng cá nhân và đồng đội Olympic toán tiểu học Quốc tế (2004)
- Ba lần nhận giải thưởng toán học Nguyễn Đình Chung Song cho học sinh xuất sắc nhất TPHCM về toán (2003, 2004, 2009)
Nguồn:https://dantri.com.vn/giao-duc/sau-cuoc-gap-giua-9x-trong-bo-nao-google-va-giam-doc-dai-hoc-trong-nuoc-20250430144939890.htm
Bình luận (0)