Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sầu riêng Việt gặp khó tại Trung Quốc: Siết kiểm dịch, đối thủ...

Ngay từ đầu mùa, sầu riêng Việt Nam đã vấp phải nhiều trở ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc kiểm dịch siết chặt, cùng sự trỗi dậy của các đối thủ mới trong khu vực, đã đẩy giá bán lao dốc và làm gia tăng áp lực lên doanh nghiệp xuất khẩu.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông29/04/2025

Kiểm dịch gắt gao, giá sầu riêng lao dốc

Tại các cửa khẩu phía Bắc, container sầu riêng Việt Nam đang phải chờ đợi thông quan kéo dài cả tuần do Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng. Quá trình xét nghiệm chậm khiến chất lượng trái cây giảm sút, trong khi tại miền Tây, nông dân buộc phải bán sầu riêng với giá chỉ từ 35.000–70.000 đồng/kg — giảm khoảng 30% so với đầu năm và chỉ bằng một phần ba giá cùng kỳ năm ngoái.

Hai tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm mạnh: doanh thu chỉ đạt 27 triệu USD, giảm tới 83% so với cùng kỳ 2024. Thị phần sầu riêng Việt tại Trung Quốc cũng lao dốc từ 62% xuống còn 37%, trong khi Thái Lan đã vươn lên chiếm 62,3% thị phần.

Sầu riêng Việt gặp khó tại Trung Quốc Siết kiểm dịch đối thủ mới trỗi dậy

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính là việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng, đặc biệt siết chặt kiểm tra dư lượng kim loại nặng và chất vàng O – một hóa chất cấm trong nông sản. Ngoài ra, các cảnh báo về gian lận mã số vùng trồng, vi phạm kiểm dịch thực vật cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng xuất khẩu để bổ sung hồ sơ.

Tình trạng này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lao đao. Nhiều đơn vị tại Tiền Giang, Đăk Lăk đã phải tạm ngừng thu mua vì lo ngại nông sản không đạt yêu cầu kiểm dịch, trong khi hợp đồng xuất khẩu mới từ đối tác Trung Quốc gần như nhỏ giọt.

Đối thủ khu vực tăng tốc, cạnh tranh thị phần

Không chỉ chịu sức ép từ chính sách kiểm dịch, doanh nghiệp Việt còn đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ mới như Lào, Indonesia và Campuchia.

Tại Lào, chính quyền tỉnh Attapeu đã cấp quyền cho ba doanh nghiệp phát triển hơn 273 ha sầu riêng thương mại, đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp lớn cho Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã phối hợp thành lập Hiệp hội Sầu riêng và trung tâm nghiên cứu giống tại đây, được giao thêm 12.000 ha vùng chuyên canh.

Indonesia, với sản lượng sầu riêng 1,8 triệu tấn mỗi năm – lớn nhất thế giới, cũng đang tăng tốc để thâm nhập thị trường Trung Quốc. Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra đồn điền và nhà máy đóng gói của Indonesia hồi tháng 3, trong khi tỉnh Trung Sulawesi đã đăng ký hơn 3.000 ha đủ điều kiện xuất khẩu.

Campuchia cũng nhanh chóng gia nhập đường đua, khi tháng 4 vừa qua đã ký nghị định thư với Trung Quốc cho phép xuất khẩu sầu riêng, tổ yến và cá sấu nuôi – nằm trong khuôn khổ 37 thỏa thuận hợp tác song phương mới.

Trước sức ép "vòng vây" của các đối thủ và yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía Trung Quốc, các chuyên gia và doanh nghiệp Việt đồng loạt kiến nghị nhiều giải pháp: đẩy mạnh kiểm định nội địa, tuyên truyền về sử dụng phân bón đúng chuẩn, đồng thời chủ động kiểm nghiệm dư lượng kim loại nặng trước thu hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sầu riêng là ngành hàng chủ lực mang lại giá trị lớn cho xuất khẩu. Ông kêu gọi toàn ngành cần làm việc nghiêm túc, bài bản để giữ vững thị phần và đảm bảo đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Nguồn: https://baodaknong.vn/sau-rieng-viet-gap-kho-tai-trung-quoc-siet-kiem-dich-doi-thu-moi-troi-day-250949.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm