Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Sứ giả đến từ thời tiền sử' được công nhận là cây di sản Việt Nam

Quần thể 108 cây thông hai lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, được các nhà thực vật học xem như là 'sứ giả đến từ thời tiền sử', chính thức trở thành cây di sản Việt Nam.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên19/05/2025



Ngày 19.5, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng), tổ chức lễ công bố quyết định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể 108 cây thông hai lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là cây di sản Việt Nam.

'Sứ giả' thời tiền sử - thông hai lá dẹt ở rừng Bidoup được công nhận là cây di sản Việt Nam - Ảnh 1.

Gắn bảng công nhận quần thể 108 cây thông lá dẹt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là cây di sản Việt Nam

ẢNH: LÂM VIÊN

Tham dự có đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và đại diện các sở ngành tỉnh Lâm Đồng, chính quyền huyện Lạc Dương.

Như Thanh Niên đã thông tin, thông hai lá dẹt, tên khoa học Pinus krempfii, là một loài thực vật đặc hữu, quý hiếm chỉ có ở cao nguyên Lang Biang và vùng phụ cận, được các nhà thực vật học xem như là "sứ giả đến từ thời tiền sử". Nhà thực vật học người Pháp Chevalier từng khẳng định: "Đây là loài đại diện duy nhất của một chi còn sót lại từ thời tiền sử". Hai nhà thực vật học người Mỹ, Krisphind và Litenle, xem đây là "hóa thạch sống" của thực vật thời kỳ Đệ tam – với họ hàng chỉ còn được biết đến qua mẫu hóa thạch.

'Sứ giả' thời tiền sử - thông hai lá dẹt ở rừng Bidoup được công nhận là cây di sản Việt Nam - Ảnh 2.

Cây thông hai lá dẹt khoảng 1.000 năm tuổi, được các nhà thực vật học xem như là "sứ giả đến từ thời tiền sử"

ẢNH: LÂM VIÊN

Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 2.4.2025, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã nộp hồ sơ đến Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xem xét công nhận quần thể 108 cây thông hai lá dẹt phân bố tại tiểu khu 89, 90 thuộc xã Đa Chais, H.Lạc Dương, là cây di sản Việt Nam.

'Sứ giả' thời tiền sử - thông hai lá dẹt ở rừng Bidoup được công nhận là cây di sản Việt Nam - Ảnh 3.

Lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đón nhận danh hiệu cây di sản cho quần thể thông hai lá dẹt

ẢNH: LÂM VIÊN

Quần thể này gồm những cá thể có tuổi đời trung bình từ 700 đến khoảng 1.000 năm, cao từ 35–40 mét, được xem là quần thể thông hai lá dẹt lớn nhất tại Việt Nam và thế giới hiện nay. Đây không chỉ là biểu tượng của sự trường tồn, mà còn là minh chứng sống động cho giá trị của hệ sinh thái rừng nguyên sinh và nỗ lực bảo tồn thiên nhiên bền vững.

'Sứ giả' thời tiền sử - thông hai lá dẹt ở rừng Bidoup được công nhận là cây di sản Việt Nam - Ảnh 4.

Lễ đón nhận danh hiệu cây di sản tổ chức tại quần thể 108 cây thông lá dẹt

ẢNH: LÂM VIÊN

Việc công nhận danh hiệu cây di sản Việt Nam không chỉ tôn vinh giá trị của loài cây cổ thụ quý hiếm, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.

Đây còn là hoạt động hết sức cần thiết nhằm tôn vinh các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, kết nối các giá trị di sản trên con đường Hoa Và Biển – Quốc lộ 27C nối TP.Đà Lạt và TP.Nha Trang. Theo đó, sự kết hợp giữa các di sản thiên nhiên như quần thể thông hai lá dẹt; di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên và di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn sẽ trở thành một hành trình hấp dẫn thu hút khách du lịch tham quan, học tập...

'Sứ giả' thời tiền sử - thông hai lá dẹt ở rừng Bidoup được công nhận là cây di sản Việt Nam - Ảnh 5.

Trồng thêm 30 cây thông hai lá dẹt trong Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

ẢNH: LÂM VIÊN

Ngay sau lễ đón nhận danh hiệu, Vườn Quốc gia Bidoup - núi Bà phát động trồng cây, bổ sung quần thể thông hai lá dẹt và thông ba lá, năm lá. Cụ thể, có 30 cây thông hai lá dẹt, 500 cây thông năm lá và ba lá được các đại biểu, cán bộ, nhân viên và người dân địa phương trồng tại các khu vực dọc theo quốc lộ 27C và các khu vực cảnh quan trong Vườn quốc gia.

Tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, các nhà khoa học đã ghi nhận được 2.089 loài thực vật có mặt trên tổng số khoảng 13.000 loài của khu hệ thực vật Việt Nam thuộc 829 chi, 186 họ khác nhau. Trong đó có 74 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2024 và 35 loài có tên trong danh mục đỏ của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) phiên bản 2024. Bên cạnh đó Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được đánh giá là vương quốc các loài lan với sự hiện diện của 317 loài lan thuộc 85 chi trên tổng số gần 1.300 loài lan của Việt Nam, là khu địa lý của các loài cây lá kim với 13 loài thuộc 10 chi và 5 họ.



Nguồn: https://thanhnien.vn/su-gia-den-tu-thoi-tien-su-duoc-cong-nhan-la-cay-di-san-viet-nam-185250519150127926.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm