Phối cảnh công trình điểm nhấn Quảng trường Thùy Vân (Bãi Sau) nhìn từ trên cao. |
Bà Trần Thị Xuân, Chánh Văn phòng HĐND - UBND TP.Vũng Tàu cho biết, vừa qua, hội đồng thi tuyển cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình điểm nhấn tại Quảng trường Thùy Vân đã chọn phương án 8 của công ty Cổ phần Kiến trúc Cảnh quan EGO Việt Nam - EGO Group (trụ sở đóng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đạt giải Nhất.
Theo lịch sử ghi lại, vào thời vua Gia Long (1802-1820), để kiểm soát và bảo vệ khu vực vịnh Ghềnh Rái, cửa biển Cần Giờ, triều đình đã cử 3 “thuyền” đến vùng đất Vũng Tàu trấn giữ. 3 thuyền gồm: thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Nhì và thuyền Thắng Tam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 3 thuyền này được nhà vua cho giải ngũ và được cho lập làng trên vùng đất họ trấn giữ. Tên Tam Thắng cũng bắt đầu từ đây.
Trong phương án thiết kế, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Oliviero Godi (Hội kiến trúc sư Milan, Ý) cùng cộng sự đã khéo léo lấy cảm hứng và tái hiện lịch sử của ba ngôi làng Tam Thắng (Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam).
Phối cảnh thể hiện vẻ đẹp của công trình điểm nhấn về đêm khi lên đèn. |
Cụ thể, hình dáng tổng thể của công trình vươn cao như ba đầu mũi thuyền hướng ra biển lớn, vừa bảo vệ vùng đất vừa thể hiện ý chí mạnh mẽ. Cấu trúc của biểu tượng gồm các cột trụ hình tam giác sắp xếp trên ba tam giác xung quanh đại diện cho ba ngôi làng Tam Thắng và một tam giác rỗng ở giữa. Cột thấp nhất cao 10,9 m, cột cao nhất hơn 31,6 m, sắp xếp theo cốt cao độ đi lên và tăng dần.
Điểm cao nhất của công trình là Mũi Vọng Cảnh, cao khoảng 3,6m so với mặt sân quảng trường. Hai cạnh tam giác là 2 cầu thang đi lên Mũi Vọng Cảnh. Phía dưới Mũi Vọng Cảnh tổ chức không gian bán hầm với diện tích gần 450 m² để tận dụng làm nơi check-in, cafe giải khát, phục vụ nhu cầu giải trí của du khách.
Phần quảng trường rộng khoảng 5.800 m², bố trí các bậc cấp kết hợp làm sân khấu tổ chức sự kiện và sân khấu nhạc nước. Trong khu vực quảng trường bố trí các đài phun nước cạn với diện tích khoảng 665 m².
Kết cấu các trụ cột là bê tông cốt thép, ốp gạch gốm mosaic để tạo hiệu ứng khi ánh sáng chiếu vào.
Hiệu ứng ánh sáng tự nhiên của công trình khi mặt trời lên. |
Các cột to nhỏ, cao, thấp khác nhau sắp xếp để tạo hiệu ứng khu rừng ánh sáng. Đồng thời, mỗi cột trụ còn gợi hình ảnh những chiến binh trên thuyền Tam Thắng năm xưa, hiên ngang trước sóng gió, khẳng định tinh thần kiên cường của vùng đất lịch sử này.
Hai lô đất (số 165 và 165A đường Thùy Vân) được sử dụng một phần làm bãi đậu xe, một phần làm cửa hàng trưng bày, quán cà phê, bar & cafeteria, quầy lưu niệm, một phần dành cho hội chợ, triển lãm, một phần làm bảo tàng ánh sáng lịch sử Vũng Tàu.
Công trình còn có cây cầu đi bộ hình vòng cung kết nối giữa 2 khu đất số 165 và 165A đường Thùy Vân) với quảng trường. Đây vừa là cây cầu đi bộ qua đường, vừa là cây cầu ngắm cảnh, không chỉ tạo sự kết nối liền mạch mà còn đóng vai trò như cổng chào biểu tượng (Cầu Hừng Đông).
Bà Trần Thị Xuân Chánh Văn phòng HĐND - UBND TP.Vũng Tàu thông tin thêm, cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình điểm nhấn tại Quảng trường Thùy Vân đã thu hút 13 đơn vị nộp hồ sơ dự thi với 15 phương án dự thi.
Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá phương án dự thi theo các tiêu chí: Tuân thủ quy hoạch đã được duyệt; phương án thiết kế có tính hiện đại, tạo điểm nhấn độc đáo, thể hiện bản sắc của TP.Vũng Tàu; có sức hấp dẫn các hoạt động của cộng đồng; bền vững với tác động của môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu; khả thi về mặt kỹ thuật công nghệ và kinh phí xây dựng.
Bài, ảnh: THI PHONG
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/du-lich/202504/tai-hien-lich-su-lang-tam-thang-trong-cong-trinh-diem-nhan-bai-sau-1039437/
Bình luận (0)