Trong văn hóa cổ truyền, Tết Đoan ngọ là một dịp quan trọng. Dân gian lưu truyền câu ca: “Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng Năm”.
Tết được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Đoan ngọ, Đoan dương, Đoan ngũ hay dân gian còn gọi là Tết “giết sâu bọ”.
Cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch, từ chốn cung đình cho đến những miền quê, mọi người đều hân hoan đón Tết Đoan ngọ.
Trong dịp Tết Đoan Ngọ 2025, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội triển khai trưng bày chủ đề “Tết Đoan ngọ xưa và nay”.
Trưng bày gồm hai phần: Tết Đoan ngọ dân gian truyền thống và Tết Đoan ngọ trong cung đình thời Lê Trung Hưng.
Trong đó, không gian trưng bày tết Đoan ngọ dân gian tái hiện một số phong tục trong dịp này. Phong tục thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên với ý nghĩa người dân dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những sản vật trái cây đầu mùa với tấm lòng biết ơn và cầu mong mùa màng không bị sâu bọ phá hoại, con cháu mạnh khỏe, bình an; phong tục “giết sâu bọ”.
Tháng 5 âm lịch thời tiết nóng nực, bắt đầu mùa có nhiều dịch bệnh. Phong tục “giết sâu bọ” thường là: Ăn quả trứng luộc, rượu nếp, bánh ú tro, bánh đa, chè kê... để sâu bọ “say”, ăn tiếp trái cây có hương vị chua chát để sâu bọ “chết”.
Nhằm tiêu độc, người lớn còn uống rượu hùng hoàng hoặc rượu xương bồ, nước dừa...
Ngoài ra, vào Tết Đoan Ngọ, người Việt còn có tục đeo cho trẻ nhỏ chùm bùa ngũ sắc (bùa tua, bùa túi) ở ngực và buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay... với quan niệm chỉ ngũ sắc ứng với màu ngũ hành giúp trừ tà.
Các hiện vật trưng bày đã Trung tâm phục dựng lại theo nguồn tư liệu ảnh của Henri Oger, Nguyễn Văn Huyên; Bảo tàng Quai Branly (Pháp).
|
Giới thiệu một số loại thuốc nam gắn với tục hái thuốc trong dịp Tết Đoan ngọ. |
Ngoài ra, Ban tổ chức còn giới thiệu phong tục đi hái thuốc, khảo cây... Không gian trưng bày được tái hiện chân thực, giúp du khách có thể tiếp cận và cảm nhận được nét độc đáo, ý nghĩa của các phong tục tết của người dân.
Điểm nhấn của không gian trưng bày là hình tượng con giáp - linh vật rắn của năm Ất Tỵ được kết từ các loại lá cây thân thuộc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đẹp, sáng tạo, trở thành một điểm check-in ấn tượng cho du khách.
Không gian Tết Đoan ngọ trong cung đình thời Lê Trung Hưng giới thiệu các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến... được phỏng dựng lại qua hệ thống tranh vẽ dựa trên các tư liệu lịch sử.
Trong đó nổi bật là mô hình chiếc quạt lớn trên có đề bài thơ được phỏng dựng, nhằm ghi dấu lại sự kiện vua Lê Hiến Tông (1498-1504) làm thơ đề trên quạt vào dịp Tết Đoan ngọ để gửi gắm những tâm tư, trăn trở của mình trong việc chính sự, trị vì đất nước.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn giới thiệu không gian lễ ban quạt được phỏng dựng qua mô hình quan Tư lễ ban quạt cho các quan trong triều.
Trong dịp này, Trung tâm đã phối hợp trưng bày quy trình, dụng cụ làm quạt và bộ sưu tập quạt của nghệ nhân Lân Tuyết.
Bộ sưu tập gồm 2 loại hình quạt: quạt truyền thống (quạt giấy dó châm kim, quạt the hoa văn trổ chìm) và quạt nghệ thuật (vẽ tứ thời, thư pháp và các tích truyện Thánh Gióng, Múa rồng, Tố nữ...).
Vào sáng 31/5 và 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp các nghệ nhân tổ chức hoạt động thực hành, trải nghiệm di sản với hai chủ đề chính là: Nghệ thuật thư pháp trên quạt, nghệ thuật kết lá tạo hình.
Những hoạt động này hướng tới đối tượng khách là trẻ em, gắn với kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, giúp các em hiểu thêm về di sản văn hóa dân tộc.
Nguồn:https://nhandan.vn/tai-hien-tuc-don-tet-doan-ngo-thoi-le-trung-hung-tai-hoang-thanh-thang-long-post882628.html
Bình luận (0)