Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp

Việc tăng cường hợp tác đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch hỗ trợ kết nối, cung ứng lao động để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiệu quả, bền vững.

Báo Thái BìnhBáo Thái Bình04/04/2025

Trường Cao đẳng nghề Thái Bình tích cực đổi mới phương pháp đào tạo để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Nội vụ cho biết: Chúng tôi đã phối hợp cùng Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các huyện, thành phố khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về số lượng, ngành nghề, trình độ chuyên môn; đồng thời, khảo sát năng lực đào tạo thực tế, ngành nghề thế mạnh của một số cơ sở đào tạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh và khu vực để lựa chọn, kết nối hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Trong năm 2024 đã tổ chức 2 hội nghị kết nối, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình có nhu cầu tuyển dụng lao động. Qua hoạt động này đã có 45 doanh nghiệp đăng ký hợp tác với đơn vị đào tạo nghề để hợp tác đào tạo các ngành nghề điện - điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa, cơ khí, công nghệ ô tô.

Xác định tầm quan trọng của việc kết nối, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ đề xuất phân bổ nguồn lực cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu để nâng cao năng lực kết nối cung cầu lao động; nâng cao năng lực tổ chức định kỳ phiên giao dịch việc làm hàng tháng để hỗ trợ kết nối nhu cầu việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình đã tiếp nhận 210 lượt doanh nghiệp, người sử dụng lao động và 60.000 lượt lao động tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại sàn giao dịch việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã tuyển chọn được lao động theo nhu cầu, nhiều lao động đã tìm được vị trí công việc phù hợp.

Nắm bắt xu thế của thị trường lao động, nhất là việc hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào Thái Bình với công nghệ, dây chuyền sản xuất mới, hiện đại, thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình đã tích cực đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy bằng việc cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Ông Đặng Nguyên Mạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình cho biết: Chúng tôi tăng cường đào tạo theo mô hình “học đi đôi với hành, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng thực hành”. Xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, giúp học sinh, sinh viên có kỹ năng sát với thực tế. Hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức thực tập, đào tạo tại chỗ, tuyển dụng trực tiếp. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng giảng dạy và thực hành nghề cho giáo viên. Khuyến khích giảng viên tham gia thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật công nghệ, kỹ năng mới. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng tay nghề, bảo đảm học sinh, sinh viên ra trường có được việc làm ngay theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy); trong đó, cam kết các vấn đề về phát triển và tổ chức thực hiện đào tạo; chương trình thực tập; hỗ trợ tuyển dụng; hỗ trợ cơ sở vật chất và nghiên cứu, phát triển, trao đổi chuyên môn.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng đổi mới phương pháp đào tạo bằng việc giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành.

Theo phân tích của bà Phạm Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thái Bình: Doanh nghiệp ngày càng cần nguồn lao động có kỹ năng nghề cao để đáp ứng sự phát triển của công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Nếu không có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, người lao động có thể không đáp ứng được yêu cầu thực tế, gây khó khăn trong tuyển dụng. Khi có sự kết nối tốt giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có thể tuyển được lao động đã có kỹ năng phù hợp, giảm thời gian và chi phí đào tạo lại. Điều này cũng giúp giảm tỷ lệ nghỉ việc do lao động không đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Khi có sự hợp tác giữa các bên, người lao động sẽ được trang bị kỹ năng đúng với nhu cầu thị trường, giúp họ có công việc ổn định và thu nhập tốt hơn. Điều này góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hoạt động kết nối hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động của tỉnh Thái Bình đến năm 2030, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp chủ động được việc tuyển chọn lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Việc kết nối đào tạo giữa cơ quan nhà nước với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tạo ra mối quan hệ cốt lõi giữa ba bên, qua đó giúp người lao động có được việc làm phù hợp với khả năng và trình độ chuyên môn kỹ thuật.

  Đỗ Hồng Gia

 

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/9/221187/tang-cuong-hop-tac-dao-tao-cung-ung-lao-dong-cho-doanh-nghiep


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm