Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều quan tâm đặc biệt. Đây không chỉ là trụ cột công nghệ của tương lai, mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế số. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản thông qua các hoạt động cụ thể về đào tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng cho biết, trong chuyến công tác tới Nhật Bản cách đây hai tuần, Thứ trưởng đã có các cuộc gặp gỡ với nhiều tổ chức, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Thứ trưởng mong muốn đón tiếp những chuyên gia kỳ cựu từ Nhật Bản sang Việt Nam để trực tiếp hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn phát triển mạnh mẽ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về phía Nhật Bản, Giáo sư Tsuyoshi Usagawa chia sẻ, chuyến công tác tại Việt Nam lần này kéo dài khoảng 10 tuần, ông dành phần lớn thời gian làm việc tại Trường Đại học Việt Nhật với mục tiêu là phối hợp xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành bán dẫn, ngành học dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh từ tháng 9 tới.
Giáo sư Usagawa khẳng định, ông cùng các đồng nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến chính sách, định hướng chiến lược của Việt Nam về phát triển nhân lực trong ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Giáo sư Tsuyoshi Usagawa cũng bày tỏ mong muốn Đại học Việt Nhật sẽ trở thành cầu nối quan trọng, giúp mở rộng hợp tác giáo dục và nghiên cứu giữa hai quốc gia. Đại học Kumamoto Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cử chuyên gia sang giảng dạy và hỗ trợ xây dựng nền tảng đào tạo cho các thế hệ kỹ sư bán dẫn của Việt Nam.
Giáo sư Usagawa cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam. Việt Nam không chỉ có con người thân thiện, cảnh quan đẹp mà còn sở hữu thế hệ trẻ đầy khát vọng, đây sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển ngành bán dẫn bền vững trong tương lai.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là các đề xuất hợp tác từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bao gồm: Thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về bán dẫn tại một số trường đại học tại Việt Nam, hỗ trợ trang thiết bị, công cụ nghiên cứu và đào tạo; Hỗ trợ xây dựng giáo trình, tăng cường học bổng, trao đổi sinh viên và giảng viên, đặc biệt là các khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản; Đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật vật liệu, sản xuất bán dẫn, tự động hóa và kiểm soát chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp hiện đại; Cử chuyên gia Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam, tư vấn triển khai các chương trình phát triển công nghiệp bán dẫn quốc gia.
Trước đó, tại buổi làm việc ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ KH&CN) cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc định hình vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam được xây dựng theo công thức C = SET + 1, trong đó: C là Chip; S là Specialized, phát triển chip chuyên dụng; E là Electronics, phát triển công nghiệp điện tử; T là Talent, phát triển nguồn nhân lực; +1 là thu hút đầu tư nước ngoài để tạo vị thế "quốc gia cộng thêm" trong mô hình "X+1" của ngành bán dẫn toàn cầu.
Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn và điện tử. Với mối quan hệ chiến lược toàn diện được duy trì và phát triển trong nhiều năm, Việt Nam xem Nhật Bản là đối tác trọng tâm trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia.
Buổi làm việc khép lại trong không khí cởi mở, tin cậy và mang tính xây dựng cao, mở ra nhiều kỳ vọng cho chặng đường hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương tặng quà lưu niệm cho Giáo sư Tsuyoshi Usagawa.
Nguồn: https://mst.gov.vn/tang-cuong-hop-tac-viet-nhat-trong-linh-vuc-ban-dan-dat-nen-mong-cho-dao-tao-va-phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao-197250725081804149.htm
Bình luận (0)