Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Môi trường Đỗ Đức Duy thị sát vườn vải thiều tại Bắc Giang ngày 11/5 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thưa Bộ trưởng, mùa vải thiều năm nay tại các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương dự kiến sản lượng cao, nhưng thời gian tiêu thụ lại rất ngắn, chỉ khoảng một đến hai tháng, chủ yếu là quả tươi. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho sản xuất và xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những biện pháp gì để hỗ trợ?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Đúng vậy, vải thiều là một đặc sản quan trọng nhưng thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn cùng với nhu cầu xuất khẩu quả tươi cao đã đặt ra nhiều thách thức. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng kế hoạch tổng thể từ trước, tập trung vào các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
Trước hết, chúng tôi đã hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương chuẩn bị hạ tầng như kho lạnh, phương tiện vận chuyển và cơ sở sơ chế để đảm bảo quả vải tươi được bảo quản tốt, giảm áp lực trong thời điểm cao điểm.
Thứ hai, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và cơ sở vật chất cho kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Bộ phối hợp với chuyên gia từ các nước nhập khẩu và cơ quan hải quan tại các cửa khẩu để tìm kiếm thị trường mới, mở luồng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều xuất khẩu.
Vậy Bộ đã có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy tiêu thụ, cả trong nước và quốc tế, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương để hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân kết nối tiêu thụ vải thiều, ưu tiên cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với xuất khẩu, chúng tôi tập trung vào các thị trường có yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật và chất lượng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Trong nước, chúng tôi đẩy mạnh tiêu thụ qua chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử, và các kênh phân phối khác để giảm áp lực tồn kho. Ngoài ra, Bộ duy trì các đầu mối thông tin và đường dây nóng để cung cấp kịp thời dữ liệu thị trường, giúp doanh nghiệp và người dân chủ động trong thu hoạch và tiêu thụ.
Một giải pháp được Bộ rất quan tâm đó là nâng cao năng lực tạm trữ và chế biến, đây là vấn đề quan trọng để giảm áp lực trong mùa vụ. Chúng tôi phối hợp với địa phương và doanh nghiệp để nâng cao năng lực tạm trữ qua hệ thống kho lạnh, sử dụng xe vận chuyển lạnh, đồng thời mở rộng quy mô chế biến. Việc đa dạng hóa sản phẩm, như vải sấy, vải ngâm, hay nước ép, giúp giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tươi sang một số thị trường nhất định như trước đây. Điều này không chỉ kéo dài thời gian tiêu thụ mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tham quan một đơn vị xuất khẩu vải sang châu Âu, những quả vải được làm lạnh nhanh và sâu có thời gian bảo quản rất dài. Sau khi rã đông chất lượng quả vài đạt đến 90% so với vải tươi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Mùa hè là mùa của nhiều loại trái cây, ngoài vải thiều. Làm thế nào để tránh tình trạng dư thừa hoặc rớt giá nông sản khi vào vụ thu hoạch, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Đây là vấn đề cần được chú trọng từ sớm. Trước hết, cần nâng cao năng lực dự báo cung cầu, hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường để tránh mất cân đối. Thứ hai, các địa phương được chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng cơ sở chế biến, kho tạm trữ, giúp mua dự trữ trong mùa vụ để xuất khẩu vào thời điểm thuận lợi, giảm áp lực tồn kho ngắn hạn.
Cùng với đó, chúng tôi liên tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, mà còn nhắm đến Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông – nơi có tiềm năng tiêu thụ nông sản Việt Nam tốt. Điều này giảm rủi ro khi một thị trường gặp biến động. Cuối cùng, việc cung cấp thông tin thị trường kịp thời và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đặc biệt về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, là yếu tố then chốt để duy trì xuất khẩu bền vững.
Qua chuyến thị sát gần đây tại vùng sản xuất vải thiều, Bộ trưởng đã nhận định mối quan hệ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ sở đóng gói vẫn còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng. Bộ trưởng có khuyến nghị gì để cải thiện chuỗi liên kết này?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Tôi rất phấn khởi khi thấy nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã tạo ra các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, với mã số vùng trồng, quy trình canh tác, và kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu cao của thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Đây là nỗ lực lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, chuỗi liên kết vẫn cần cải thiện do hạn chế về năng lực, hạ tầng chế biến, bảo quản, và nguồn vốn. Nhiều nơi chỉ hình thành chuỗi khi vào mùa vụ, thiếu sự liên kết bền vững quanh năm.
Để khắc phục, tôi khuyến nghị cần ký hợp đồng tương lai với bên nhập khẩu ngay từ khâu sản xuất, cũng như hợp đồng giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ sở chế biến, đóng gói. Liên kết chặt chẽ sẽ giảm rủi ro, dù chi phí tuân thủ ban đầu có thể cao. Tuy nhiên, về lâu dài, chi phí giảm, giá trị gia tăng tăng và tất cả các bên trong chuỗi đều hưởng lợi. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chủ tịch Tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh (áo trắng) và Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đang bàn về những thay đổi trong ứng dụng sản xuất cũng như thúc đẩy liên kết tiêu thụ vải tại tỉnh Bắc Giang - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trước lo ngại về khả năng dư thừa nông sản do chiến tranh thương mại hoặc thuế mới từ Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những hành động cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, kiểm soát quy hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, kết hợp tăng cường dự báo để điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thị trường. Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tập trung vào sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, và các sản phẩm có cạnh tranh cao. Thứ ba, đầu tư vào chế biến sâu và năng lực tạm trữ, giúp giải quyết tình trạng dư thừa trong mùa vụ khi thị trường trong nước và quốc tế chưa cân đối.
Chúng tôi cũng đang tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để quảng bá thương hiệu và giảm phụ thuộc vào một số thị trường như Hoa Kỳ. Cuối cùng, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ đàm phán các hiệp định thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế quan và kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!
Đỗ Hương (thực hiện)
Nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-lien-ket-chuoi-va-che-bien-nang-cao-gia-tri-qua-vai-102250512091136477.htm
Bình luận (0)