Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch

(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu đón 16 triệu lượt khách năm 2025, ngành du lịch của tỉnh đã và đang chú trọng các giải pháp để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo trên cơ sở lợi thế của vùng miền, địa phương.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/07/2025

Tăng tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch

Bản Bút, xã Nam Xuân - điểm đến hấp dẫn du khách.

Dịp hè, ngành du lịch của tỉnh luôn xác định du lịch biển là dòng sản phẩm chủ đạo có thể tăng sức cạnh tranh, và tăng khả năng thu hút du khách. Nhằm thu hút du khách đến tham quan, lưu trú ngành du lịch của tỉnh đã tích cực khai thác lợi thế để phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch biển. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, gắn kết với các điểm du lịch khác trong tỉnh để tạo sức hấp dẫn du khách, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là biển Sầm Sơn. Nhờ vào bãi biển đẹp, cơ sở hạ tầng du lịch được không ngừng đầu tư và nhiều hoạt động vui chơi giải trí đa dạng nên từ lâu nơi này luôn được xem là “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch về với Thanh Hóa.

Trước đây, du khách đến với Sầm Sơn chỉ là để tắm biển, ăn uống, thì nhiều năm nay, đến Sầm Sơn nếu ở lại lưu trú vào ban đêm du khách còn được trải nghiệm thêm nhiều hoạt động đặc sắc như tham quan, mua sắm tại tuyến phố đi bộ, chợ đêm. Cùng với đó, công trình Quảng trường biển Sầm Sơn cũng là điểm nhấn với nhiều hoạt động hấp dẫn, du khách có thể tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức ẩm thực đường phố, xem nhạc nước và tham gia các sự kiện lễ hội. Ngoài ra, quảng trường còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo không khí sôi động và náo nhiệt.

Bên cạnh đó, du khách có thể đến Công viên nước Sun World Sầm Sơn thuộc tổ hợp vui chơi giải trí Sun World. Với quy mô hơn 33,5ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, Sun World Sầm Sơn là công viên nước ngoài trời lớn nhất miền Bắc. Hiện công viên đã đưa vào vận hành 12 tổ hợp trò chơi nước, được chia thành nhiều phân khu dành cho mọi lứa tuổi người lớn, trẻ em và cả những trò chơi cảm giác mạnh như dòng nước phiêu lưu, cầu trượt thử thách, chinh phục thủy quái...

Khi đến biển Sầm Sơn, du khách còn có thể kết nối thêm các tour du lịch xuất phát từ biển Sầm Sơn như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, suối cá Cẩm Lương... để khám phá, trải nghiệm. Cũng chính nhờ việc không ngừng làm mới các sản phẩm, gia tăng trải nghiệm về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực, đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến biển Sầm Sơn.

Nắm bắt được xu hướng du lịch và nhu cầu đi du lịch của du khách là không chỉ trải nghiệm văn hóa ẩm thực, nghỉ dưỡng... mà còn được tham gia các hoạt động gắn với tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên, vì vậy thời gian qua các đơn vị, doanh nghiệp tham gia làm du lịch của tỉnh đã gắn kết, liên kết chặt chẽ những sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ, tạo nên những sản phẩm du lịch tổng hợp, mang lại giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn, tại một số khu, điểm du lịch như bản Bút, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, bản Mạ... đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động phục vụ du khách đến tham quan. Một số đơn vị đã sáng tạo thêm các hoạt động bổ trợ như chèo thuyền kayak, đạp xe, chạy bộ, leo núi, đi bộ đường dài trong các khu rừng... để gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Anh Vi Văn Ngọ, hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Mạ (xã Thường Xuân) cho biết: "Để thu hút khách du lịch, các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng luôn cần làm mới sản phẩm. Bởi thực tế du khách chỉ quay lại nơi mình đã đến nếu như ở đó có chất lượng phục vụ tốt, cảnh sắc đẹp và có sản phẩm du lịch mới. Do đó, chúng tôi không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, và phát triển đa dạng các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, tham quan bản, nghỉ dưỡng, check-in"...

Xứ Thanh được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo, từ hệ sinh thái thiên nhiên tới hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể tới phi vật thể... Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đó, ngành du lịch của tỉnh đã không ngừng làm mới các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa... Để nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến, các khu, điểm du lịch cũng tích cực phát triển đa dạng các hoạt động đi kèm; ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong du lịch. Chú trọng kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn như các dịch vụ lưu trú, ăn uống, bố trí hướng dẫn viên du lịch... Cách làm này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu của ngành du lịch Thanh Hóa là đón 16 triệu lượt khách năm 2025.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tang-tinh-canh-tranh-nbsp-cua-san-pham-du-lich-256109.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm