Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cho biết, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu. Trong đó, tín dụng cho các ngành lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực xây dựng, nông lâm nghiệp, vận tải kho bãi… đều có tốc độ tăng trưởng trên 1,5%.
Đạt được kết quả trên là do các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các chương trình kích cầu của UBND TP. Hồ Chí Minh. Trong đó nổi lên là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của thành phố.
Thị trường bất động sản và tiêu dùng cải thiện sẽ là cơ hội cho các ngân hàng tiếp tục mở rộng cho vay trong những tháng tới - Ảnh: Đình Hải |
Một điểm đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2025, tín dụng ngoại tệ ở TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng 2,1%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng tiền đồng và tín dụng chung trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, dù tăng cao nhưng tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 4%) trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Tín dụng ngoại tệ chủ yếu là cho vay có điều kiện, đối tượng cụ thể thuộc nhóm ngành lĩnh vực xuất nhập khẩu theo quy định về điều kiện vay ngoại tệ.
Ông Lệnh nhấn mạnh về yếu tố cho vay ngoại tệ tăng phản ánh hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, tỷ giá ổn định mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng tích cực ở TP. Hồ Chí Minh đã góp phần vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,51% - một mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua. Trong đó có sự cải thiện của thị trường hàng hóa, dịch vụ du lịch trong quý I năm nay, tác động trở lại để tín dụng tăng trưởng trên địa bàn.
Sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiêu dùng cải thiện, trong đó doanh số bán lẻ tăng và cho vay tiêu dùng tăng, sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong những tháng tiếp theo.
“Điều này, không chỉ phản ánh vai trò của dòng vốn ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế thành phố, mà còn thể hiện hiệu quả của cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Sự ổn định kinh tế vĩ mô và cơ chế chính sách phù hợp có tác động tích cực đến hoạt động tín dụng ngân hàng, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Lệnh nói thêm.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-tin-dung-quy-i-gop-phan-thuc-day-kinh-te-tp-ho-chi-minh-162642.html
Bình luận (0)