11:21, 01/05/2025
BHG - Mục tiêu của giảm nghèo bền vững không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập mà đa chiều hơn, bao trùm các lĩnh vực như: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở... Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để phá vỡ “sức ì”, tâm lý không muốn thoát nghèo, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân.
Những lá đơn xin thoát nghèo
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đây hoàn toàn là quyết định tự nguyện của những hộ nghèo nhiều năm nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đó là sự lựa chọn xuất phát từ lòng tự trọng, từ mong muốn nhường lại cơ hội cho người khó khăn hơn.
Mô hình chăn nuôi hiệu quả của anh Giàng Mí Mua (giữa), xã Sủng Thài (Yên Minh) - một trong những hộ tự nguyện viết đơn thoát nghèo. |
Với gia đình ông Lương Công Hân, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên), việc viết đơn xin thoát nghèo là kết quả của quá trình suy nghĩ đầy trách nhiệm. Ông hiểu rằng, gia đình đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lại được hỗ trợ xóa nhà tạm, phát triển kinh tế. Khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, năm 2024, ông quyết định là người đầu tiên trong thôn đứng lên viết đơn xin thoát nghèo. Ông Hân tâm sự: Là bộ đội về hưu, tôi luôn tâm niệm còn khỏe là còn lao động. Giờ gia đình cũng không còn quá vất vả như trước nữa, nên tôi thấy mình phải chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường lại sự hỗ trợ cho những gia cảnh khó khăn hơn.
Noi theo gương ông Hân, năm 2024, 5 gia đình khác ở thôn Đội 5 cũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Mỗi người một hoàn cảnh, người từng bệnh nặng, người nuôi con nhỏ, người vừa thoát cảnh nhà tạm, dột nát… nhưng tất cả đều có chung một lý do không muốn “mang danh hộ nghèo” khi đã có thể tự vươn lên phát triển kinh tế. Bà Trần Thị Thủy, Trưởng thôn Đội 5 rất vui, khi chỉ thời gian ngắn trong thôn có 6 hộ tự nguyện viết đơn thoát nghèo. Bà chia sẻ: Những lá đơn thoát nghèo không chỉ là chuyện con số, mà tự hào hơn là người dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Họ không ỷ lại vào sự hỗ trợ, mà tự ý thức chủ động vươn lên. Tôi tin, từ những tấm gương của thôn, tinh thần tự lực vượt khó sẽ tiếp tục lan rộng trên địa bàn.
Nếu như trước đây, nhiều người dân mong muốn công nhận hộ nghèo như một “tấm vé” để nhận trợ cấp của Nhà nước, thì hôm nay, ở nhiều bản làng vùng cao, câu chuyện thoát nghèo trở thành niềm tự hào để mọi người noi gương. Nổi bật là anh Hầu Mí Na, dân tộc Mông, thôn Nà Poòng, xã Nậm Ban (Mèo Vạc), năm 2021 đã tự tay viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo mặc dù thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ngoài nuôi 3 con nhỏ ăn học, hai vợ chồng anh còn nhận nuôi thêm 3 đứa cháu là con của người anh trai không may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Anh Na chia sẻ: Mặc dù biết xin thoát nghèo thì trước mắt cuộc sống sẽ vất vả nhưng mình còn trẻ, sức còn dài nên phải tự lo cho gia đình. Vợ chồng mình bàn nhau phải nỗ lực vươn lên, tận dụng ruộng nương sẵn có, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Lãnh đạo huyện Quản Bạ kiểm tra mô hình trồng lê tại thôn Xín Cái, xã Nghĩa Thuận. |
Đầu năm 2023, anh Giàng Mí Mua, thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài (Yên Minh) cũng mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo nhờ động lực từ vốn vay 30 triệu đồng của chương trình cải tạo vườn tạp. Từ nguồn vốn đó, anh đầu tư chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản. Sau khi tích góp đủ vốn, anh Mua mở rộng quy mô chăn nuôi thêm 4 con bò thịt, 300 con chim bồ câu và 30 tổ ong lấy mật. Kết quả, từ một hộ nghèo nhất thôn, nhờ ý chí vươn lên, anh Mua đã dựng được nhà mới kiên cố, thu nhập bình quân khoảng 180 triệu đồng/năm.
Những lá đơn xin thoát nghèo đang dần được nhân rộng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng của từng hộ gia đình, mà còn phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của cộng đồng. Khi người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ mà chủ động vươn lên bằng đôi tay, khối óc của mình, đó là lúc công cuộc giảm nghèo thực sự đi vào chiều sâu.
Đảm bảo 3 yếu tố: Đa chiều, bao trùm và bền vững
Từ thực tế triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2024 đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt của các địa phương trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo một cách bền vững, hạn chế tái nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: Huyện tập trung rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo định kỳ, nắm chắc diễn biến hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh để triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đẩy mạnh hướng dẫn các hộ vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các gương điển hình thoát nghèo, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân.
Phụ nữ dân tộc Mông xã Cán Tỷ, Quản Bạ tạo ra các sản phẩm từ vải lanh, nâng cao thu nhập. |
Tại huyện Yên Minh, điểm nhấn công tác giảm nghèo là phân công 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia hỗ trợ hơn 1.300 hộ nghèo, trực tiếp xuống từng gia đình tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo, nguyện vọng của bà con để có hình thức giúp đỡ cụ thể như: Hướng dẫn các hộ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất; tiếp cận với chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm...
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4,7% (giảm khoảng 8.493 hộ), các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng KT-XH, các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn. Tập trung đa dạng hóa sinh kế, theo hướng lồng ghép các nội dung hỗ trợ trong cùng một dự án, tạo thu nhập bền vững. Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đỗ Tấn Sơn cho biết: Để giảm nghèo nhanh và thực sự bền vững trong thời gian tới, ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình với những giải pháp cụ thể. Trong đó, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nắm vững các chủ trương, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng, Nhà nước từ đó tiếp cận dễ dàng và đồng bộ hơn. Tiếp tục tham mưu lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Hà Giang để triển khai đồng bộ công tác giảm nghèo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động hơn trong việc quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế.
Theo ước tính đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh vẫn cao, chiếm tỷ lệ khoảng 31,6% (tương đương hơn 61.200 hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025); còn 7/7 huyện nghèo có tỷ lệ nghèo đa chiều trên 45%. Ngoài nghèo về thu nhập (bình quân dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng) hộ nghèo còn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Dự kiến khi chuẩn nghèo mới của Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2026 - 2030 ban hành, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tiếp tục tăng lên.
Do vậy cần tiếp tục triển khai công tác giảm nghèo một cách thực chất và hiệu quả hơn theo hướng bao trùm và bền vững hơn. Trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo cần đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng dự án, mô hình phù hợp với thực tế điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia chủ động của người dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.
Cùng với đó, tiếp tục chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang giảm nghèo theo chiều sâu, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo bảo đảm 3 yếu tố: Đa chiều, bao trùm và bền vững. Tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề tồn tại. Đi đôi với đó là thực hiện phương châm “vừa trao cần câu vừa chỉ cách bắt cá” để các đối tượng yếu thế đứng vững trên đôi chân của mình.
Có thể nói, công cuộc giảm nghèo sẽ không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên. Do vậy, từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương cực Bắc ngày càng giàu đẹp, để cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài, ảnh: NHÓM PV
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/tap-trung-giam-ngheo-vung-buoc-vao-ky-nguyen-moi-ky-cuoi-khoi-day-y-chi-khat-vong-thoat-ngheo-e66277c/
Bình luận (0)