Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng trên quan điểm là phát triển GTNT phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Đề án là xây dựng các tuyến đường huyện đạt cấp VI miền núi (hoặc GTNT cấp A), nhựa hóa hoặc cứng hóa mặt đường đến trung tâm xã, đảm bảo đi lại được 4 mùa; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường xã tối thiểu đạt GTNT cấp A, cấp B. Phấn đấu trên 85% chiều dài các tuyến đường huyện được cứng hóa mặt đường; trên 85% chiều dài các tuyến đường xã được cứng hóa mặt đường; 100% xã có đường đến trung tâm xã được cứng hóa; trên 85% đường ngõ xóm được cứng hóa; xây dựng khoảng 50 cầu dân sinh theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; 100% số km đường nông thôn đã được đầu tư hoàn chỉnh được tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định để duy trì tốt nhất khả năng khai thác của tuyến đường.
Giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo kế hoạch, đã xây dựng mở mới, cải tạo, nâng cấp được nhiều tuyến GTNT, đặc biệt là đường thôn, xóm, nội đồng. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư 1.332,2 tỷ đồng mở mới 468 tuyến GTNT với tổng chiều dài 659 km, xây mới 64 cầu dân sinh, trong đó có 4 cầu treo với tổng chiều dài 1.211,2 m. Trong đó mở mới 19 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 40,28 km; 238 tuyến đường xã với tổng chiều dài 329,5 km; 211 tuyến đường thôn, xóm, nội đồng với tổng chiều dài 289,3 km. Đầu tư 2.980,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 128.953 ngày công và 17,5 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa 1.082 tuyến GTNT với tổng chiều dài 1.705,5 km. Trong đó cải tạo, sửa chữa 148 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 507,8 km; 582 tuyến đường xã với tổng chiều dài 757,7 km; 352 tuyến đường thôn, xóm, nội đồng với tổng chiều dài 439,98 km; sửa chữa 8 cầu dân sinh với tổng chiều dài 486 m.
Sau 4 năm triển khai Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025, kết quả xây dựng đường GTNT cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo được 548,1/561,3 km đường huyện, đạt 97,65% kế hoạch; 1.087,2/606,6 km đường xã, vượt 79,2% kế hoạch; 729,3/1.002,9 km đường thôn, xóm, nội đồng, đạt 72,7% kế hoạch; đầu tư xây dựng được 64/50 cầu dân sinh với 1.211,2/900 m dài, vượt 49,5% kế hoạch.
Năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 6.673,9 km đường địa phương (trong đó có 1.041,7 km đường tỉnh, 1.557,4 km đường huyện, 4.074,8 km đường xã); thống kê chưa đầy đủ có khoảng 3.940 km đường thôn, xóm, nội đồng có nền mặt đường từ 1 - 3 m. Công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ thực hiện theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025. UBND các huyện, Thành phố đã chủ động thực hiện công việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện theo khối lượng hồ sơ dự toán được phê duyệt; tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo định mức đường tỉnh 35 triệu đồng/km/năm; đường huyện 28 triệu đồng/km/năm. UBND các xã lựa chọn nhà thầu hoặc thực hiện chỉ định thầu cho các Tổ, Đội tại địa phương để thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường xã; ký hợp đồng đối với gói thầu thực hiện phương thức đấu thầu hoặc giao kế hoạch cho các Tổ, Đội, Nhóm cộng đồng theo định mức 3 triệu đồng/km. Riêng đối với đường thôn, xóm, nội đồng, do không có kinh phí, công tác duy tu sửa chữa thường xuyên chủ yếu vận động nhân dân góp công thực hiện.
Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, đến hết năm 2024, toàn tỉnh cứng hóa mặt đường 1.275,8/1.527,7 km các tuyến đường huyện, đạt 84%; dự kiến đến hết năm 2025 sẽ đạt ít nhất 85% theo kế hoạch đề ra. Có 2.229,4/4.074,4 km đường xã được cứng hóa mặt đường, đạt 55%. Dự kiến hết năm 2025, tỷ lệ cứng hóa đường xã đạt khoảng 2370/4.104 km, đạt 57,4%, không đạt mục tiêu 85% chiều dài các tuyến đường xã được cứng hóa mặt đường.
Đến hết năm 2024, 151/161 xã có đường đến trung tâm xã được cứng hóa, đạt 93,8%. Còn 10 xã có đường đến trung tâm xã chưa đạt tiêu chí cứng hóa gồm: 2 xã của huyện Bảo Lâm (xã Đức Hạnh còn 24 km/24 km và Vĩnh Phong còn 2,5/12 km); 5 xã của huyện Quảng Hòa (xã Tiên Thành còn 1,1/23 km, Hạnh Phúc còn 1/18 km, Chí Thảo còn 2/6 km, Hồng Quang còn 5,5/12 km, Ngọc Động còn 3/14 km); 2 xã của huyện Bảo Lạc (xã Sơn Lộ, Sơn Lập còn 4,8/22 km); công trình đường tránh thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) nằm trên quốc lộ 34 đang xây dựng dở dang (đã xong nền, rải móng cấp phối đá dăm) chưa hoàn thành mặt đường, Sở Xây dựng đang triển khai dự án, hoàn thành trong năm 2025. Hiện nay, đường đến trung tâm các xã đang triển khai dự án xây dựng, dự kiến hết năm 2025 sẽ hoàn thành cứng hóa mặt đường đến trung tâm 160/161 xã. Còn đường đến trung tâm xã Hồng Quang (Quảng Hòa) theo thống kê đã được rải nhựa từ trước năm 2015, hiện nay đã hư hỏng mặt nhựa, không còn đảm bảo tiêu chí cứng hóa, hiện chưa có dự án triển khai.
Hết năm 2024, có 1.171/1.462 thôn, xóm có đường trục giao thông đến trung tâm được cứng hóa, đạt 80,1%. Dự kiến đến hết năm 2025, sẽ đạt 85%, đạt mục tiêu nhiệm vụ đề án đặt ra. Đã đầu tư 128.95 tỷ đồng xây dựng mới 64 cầu, sửa chữa 4 cầu dân sinh, vượt mục tiêu nhiệm vụ đề ra. 100% số km đường nông thôn đã được đầu tư hoàn chỉnh được tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định để duy trì tốt nhất khả năng khai thác của tuyến đường.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2025 - 2030 phù hợp với hoạch định phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; lập danh mục dự án ưu tiên thực hiện để đề xuất đầu tư trong các năm tiếp theo. Tích cực đề xuất, tìm kiếm nguồn lực đầu tư xây dựng đường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Quản lý tốt nguồn vốn đầu tư, huy động, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống GTNT, phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phát triển GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Huy động các nguồn lực tại địa phương, nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vận động sự tham gia đóng góp của mọi lực lượng, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, các tổ chức hội, các doanh nghiệp. Thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về công tác tự quản, tự bảo dưỡng đối với đường nông thôn, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ các tuyến GTNT tại địa phương.
Nguồn: https://baocaobang.vn/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-ket-cau-ha-tang-giao-thong-3177080.html
Bình luận (0)