Với nền kinh tế có độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông các nguồn lực cho phát triển KT - XH. Đặc biệt là hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, tạo thêm động lực, thời cơ cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, vững vàng phát triển.
Những năm gần đây, Công ty TNHH TKR Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế, uy tín trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng linh kiện, thiết bị điện tử. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hơn 261 nghìn lao động, trong đó, hơn 1.200 lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, 98.100 lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong nước và trên 162 nghìn lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn về vốn, đơn hàng, nguyên liệu, thiếu hụt nguồn lao động, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH)… tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như doanh nghiệp điện tử và các sản phẩm phụ trợ; dệt may; cơ khí, da giày…
Đối mặt với khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng, kế hoạch sản xuất dẫn đến cắt giảm lao động như Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Xe buýt Daewoo Việt Nam, Công ty TNHH Piagio Việt Nam.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải cắt giảm công suất lớn như Công ty TNHH Vitto Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ duy trì 50% công suất; Công ty TNHH Hoàn Mỹ duy trì 30% công suất; Công ty cổ phần Công nghiệp Hera duy trì 70% công suất...
Nắm bắt khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ, giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, thua lỗ, giải thể.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai các phương án giãn, hoãn, miễn giảm thuế và giảm lãi suất cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thiếu hụt lao động, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai biện pháp nắm chắc tình hình dự báo để hướng dẫn, định hướng doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; tăng cường tư vấn, giới thiệu, kết nối người lao động và doanh nghiệp.
Đối với tình trạng nợ BHXH, BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, đối chiếu, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chế độ chính sách cho người lao động theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời phân loại và lập danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đến ngày 15/1, toàn tỉnh đã thu hút mới được 4 dự án FDI và thực hiện tăng vốn cho 5 dự án, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký đạt 69,44 triệu USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 17,36% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có thêm 86 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 487 tỷ đồng, tăng 1,9 lần về số doanh nghiệp và tăng 2,6 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1/2024, có 123 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quay trở lại hoạt động trên thị trường, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 209 doanh nghiệp. Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%.
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 31.760 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 26.365 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 5.400 tỷ đồng. Đồng thời, phấn đấu thu hút đầu tư đạt 400 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, lĩnh vực và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm.
Nghiêm túc thực hiện các Công điện, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đất đai, vật liệu xây dựng… và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư; vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, đô thị, công nghiệp; vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường lao động, thất nghiệp, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động…
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngọc Lan
Nguồn
Bình luận (0)