Đầu năm 1961, Trung ương chỉ thị cho các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa… chủ động chuẩn bị bến bãi, cho thuyền vượt biển ra Bắc, vừa thăm dò mở đường, vừa nghiên cứu nắm tình hình địch, phương tiện vận chuyển. Nếu đủ điều kiện thì nhận vũ khí chở về phục vụ cho chiến trường miền Nam. Đây là nhiệm vụ chiến lược hết sức quan trọng, đòi hỏi phải tuyệt đối giữ bí mật. Ngày 1/8/1961, Tàu số 01 của Cà Mau (do đồng chí Bông Văn Dĩa, Bí thư Chi bộ, phụ trách chung, cùng với 7 đồng chí khác) xuất phát từ Vàm Cá Mòi (nay là xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Tàu thô sơ, đi trong điều kiện sóng to, gió lớn, biển động; phương tiện hàng hải chỉ có 1 sa bàn cũ, 1 cây thước bằng đước, 1 bản đồ in trên bìa vở học sinh… Sau 7 ngày hải trình vất vả, vượt qua mọi nguy hiểm, sự phong tỏa, lùng sục của kẻ thù, tàu cập vào cửa sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) an toàn. Họ là những anh hùng đầu tiên mở đường ra Bắc thắng lợi.
Sau nhiều hoạt động thăm dò, tổ chức lực lượng, đến ngày 19/9/1962, Đoàn 962 (tiền thân của Lữ đoàn 962) được Trung ương Cục miền Nam thành lập tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau). Mấy mươi năm kháng chiến, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, ác liệt của chiến trường. Với tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo; với sự đoàn kết gắn bó của một tập thể đơn vị được quy tụ từ khắp cả nước; với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đoàn 962 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và quân đội giao cho.
Đó là tổ chức tiếp nhận an toàn 94 chuyến tàu, 5.159 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam; cất giữ, vận chuyển an toàn vũ khí trang bị giao cho Quân khu 7, 8, 9 và Bộ Chỉ huy Miền, góp phần đánh bại chiến dịch “Sóng tình thương”, trận càn “Phượng hoàng GT-1”, chiến thuật “Sa mù trận”, “Bủa lưới phóng lao”, “Biệt kích rừng xanh”…. của Mỹ - ngụy, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Để hoàn thành nhiệm vụ, để giữ được bến, 163 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, hàng ngàn đồng chí bị thương tật, bị di chứng của chất độc hóa học tàn phá cơ thể đến suốt đời. Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/10/1976; tặng thưởng 169 huân chương các hạng; Đại đội 169 được tặng danh hiệu “Thành đồng”; 4 tập thể đơn vị bến và 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đất nước thống nhất, đơn vị tiếp tục tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot; mở rộng địa bàn hoạt động vào khu vực ĐBSCL, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà. Năm 2020, Lữ đoàn 962 vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Những phần thưởng cao quý đó là nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập nên nhiều thành tích mới, làm đậm nét 16 chữ vàng truyền thống “Đoàn kết, bí mật - Dũng cảm mở đường - Kiên cường giữ bến - Lập công xuất sắc”.
“Thời bình, Lữ đoàn 962 là đơn vị binh chủng đặc thù, có nhiệm vụ cơ động tác chiến trên sông, trên biển; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Quân khu 9, làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Từ năm 2010 đến nay, lữ đoàn đã cứu hộ thành công hàng trăm người dân gặp nạn trên sông; di dời hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở; đắp hàng ngàn mét đê bao ngăn lũ. Khi dịch COVID-19 xuất hiện, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 962 có mặt ngay từ đầu, sát cánh nơi tuyến đầu chống dịch, đến nay vẫn một lòng giữ vững biên giới sông Tiền (địa phận giáp ranh tỉnh An Giang - Đồng Tháp)” - đại tá Lê Thanh Nhã (Chính ủy Lữ đoàn 962) chia sẻ.
Những truyền thống ấy được tóm tắt ngắn gọn trong ít phút, trong cuộc gặp gỡ thân tình giữa Ban Chỉ huy Lữ đoàn 962 và chiến sĩ mới, thân nhân chiến sĩ; trong không gian rộng lớn của Tiểu đoàn 3 (xã Kiến An, huyện Chợ Mới). Nhập ngũ hơn 2 tháng, khoác lên mình quân phục đặc trưng của những “thủy thủ”, chiến sĩ mới dường như choáng ngợp trước bề dày truyền thống của đơn vị. Rất nhiều người thân của chiến sĩ mới lần đầu tiên được tiếp cận với lịch sử hình thành và phát triển nơi con em mình thi hành nghĩa vụ quân sự. Bà Hồ Ngọc Thúy (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thấy quân phục của con được cấp phát khác hẳn đồ bộ đội bình thường, ban đầu tôi nhìn rất lạ mắt. Nhiều lần đến đơn vị thăm con, tôi vui khi thấy con được huấn luyện, học tập, sinh hoạt trong môi trường khang trang, biết thêm nhiều kiến thức mới...”.
Những bóng mát của hàng cây trong khuôn viên đơn vị, ánh nắng bung tỏa trên các biên đội tàu… đều chất chứa những câu chuyện về lữ đoàn 2 lần anh hùng, về những chiến sĩ hải quân kiên cường bám trụ biển sông, giữ cho lá cờ Tổ quốc căng mình lộng gió trên cao.
GIA KHÁNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tham-don-vi-2-lan-anh-hung-a419843.html
Bình luận (0)