Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thăm Học Lãnh Sơn

Học Lãnh Sơn là “tên giấy tờ” rất đẹp của núi Sam. Cũng nằm trong “Thất Sơn”, nhưng núi Sam khá nhỏ bé so với các ngọn núi anh em. Bù lại, từ chân núi lên đến đỉnh núi Sam dày đặc 200 ngôi chùa, miếu, am… mang đến không gian tâm linh riêng biệt. Nhiều dấu ấn của tiền nhân cũng được ghi nhận, lưu giữ đến ngày nay.

Báo An GiangBáo An Giang16/05/2025

Ngọn núi chỉ cao hơn 200m (trong khi núi Cấm cao hơn 700m, núi Cô Tô hơn 600m, núi Dài 580m…) so với mực nước biển. Thế nhưng, cứ cách chừng vài vòng bánh xe, du khách lại gặp một cơ sở thờ tự lớn nhỏ, nằm nghiêng mình bên sườn núi thơ mộng, bình yên. Chùa thì có Linh Sơn, Long Sơn, Tiên Sơn, Phước Quang, Tây An Cổ Tự; điện Thần Nông, am Kỳ Hương… níu chân khách suốt hành trình không dài không ngắn.

Nổi tiếng nhất, nằm trong Khu Du lịch quốc gia Núi Sam là Tây An Cổ Tự. Nơi đây được xếp hạng di tích “Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 10/7/1980, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”. Một số thông tin cho rằng, chùa Tây An do vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng tên Nguyễn Nhật An xây dựng năm 1820. Sau khi xây dựng chùa xong, ông thỉnh Hòa thượng Hải Tịnh đến trụ trì. Năm 1847, chùa thỉnh thêm Hòa thượng Pháp Tang đến trụ trì. Ông là một chí sĩ yêu nước, thành lập nhiều trại ruộng quanh vùng Bảy Núi để khẩn hoang, sản xuất và trở thành căn cứ chống Pháp. Nhiều đệ tử nổi tiếng, như: Trần Văn Thành, Tăng Chủ, Đình Tây, Đạo Xuyển,… từng một thời làm giặc Pháp phải khiếp sợ vùng Bảy Núi. Ngoài việc tu hành, ông còn có tài làm thuốc trị bệnh cho Nhân dân, nên sau khi ông mất, người dân suy tôn danh hiệu là Phật thầy Tây An.

Một ngôi chùa lớn trên núi

Toàn bộ chùa được xây dựng bằng gạch ngói và xi-măng. Trải qua biến đổi thời gian, chùa vẫn giữ nguyên được nét đẹp độc đáo. Phía sau là núi Sam như bức bình phong làm nổi bật ngôi chùa. Ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa giữa nền trời xanh ngắt. Cổng tam quan được chia làm 3 cửa, cửa ở giữa thờ tượng phật Quan Âm Thị Kính bồng con của Thị Mầu. Du khách tìm đến, lắng nghe tâm hồn an yên, nhẹ nhàng giữa cõi tâm linh, đằng sau cánh cổng tam quan ấy.

Lên lưng chừng núi, chúng tôi dừng lại ở miếu thờ cụ Nghè Trương Gia Mô, một địa điểm khá im vắng. Đầu thế kỷ XX, cây rừng và núi đá nơi đây chứng kiến giờ phút cuối cùng bi tráng của một con người nặng lòng yêu nước thương dân - chí sĩ Trương Gia Mô (sinh năm 1866). Đêm mùng 2/11/1929, cụ Nghè từ trên đỉnh tháp pháo đài Núi Sam gieo mình xuống hố đá sâu, kết thúc một giai đoạn dài đấu tranh khốn khó của ông và các bậc sĩ phu. Bia kỷ niệm khắc từng câu chữ xót xa: “Là nhà nho yêu nước, bền bỉ chống thực dân, thơ văn của ông là tiếng gọi nước, gọi đàn tha thiết của dân tộc khắc khoải trong gông xiềng. Ba lần điều trần vận dân vận nước không thành. Ý chí đấu tranh càng sôi bỏng, ông sớm từ quan, khoác áo dân dã, bước tiếp con đường quốc sự đầy gai chông hiểm nguy chực sẵn từng ngày. Càng về cuối đời, ông càng bồn chồn, day dứt nỗi đau nước, ưu dân. Mấy mươi năm lặn lội ngược xuôi Nam - Bắc, vào khám ra tù, kẻ thù bám theo ông tận gót. Ông vẫn lăn xả vào cuộc đấu tranh, cuối cùng chọn núi Sam làm nơi dừng chân thiên cổ”.

Hay tin đau đớn, nhà cách mạng lừng lẫy Phan Bội Châu khóc ông bằng lời thơ thống thiết: “Giang Nam còn phú kìa ai nhớ/ Máu quốc đầu gành mấy đoạn đau”. Nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng thương tiếc: “Trống đánh ngược, kèn thổi xuôi, nước mất, nhà tan, trăm kế cũng thua có tạo hóa. Núi toan dời, thời không gặp, trời cao, đất rộng, ngàn năm để hận khách anh hùng”. Miếu thờ cụ Nghè được xây cất khang trang, nằm bên sườn dốc thoai thoải. Khuôn viên nhỏ, nhưng đặc sệt nỗi niềm thương tiếc bậc chí sĩ yêu nước.

Bà Hoàng (50 tuổi) từ nhỏ sống ở chân núi Sam, đến lúc lập gia đình lại theo chồng lên núi sống. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã 30 năm. Bà chứng kiến ngọn núi thay đổi từng ngày, từ lúc miếu thờ cụ Nghè còn đơn sơ, đến khi xây cất bê-tông kiên cố như hiện tại. “Nhà đối diện miếu thờ, tôi thường xuyên bước qua quét dọn sạch sẽ. Một số người quen, con cháu của cụ thi thoảng đến viếng, gửi tôi chút tiền nhang đèn, dặn mua đồ cúng cụ. Tôi bày bán thêm mấy món đồ lặt vặt, chờ khách vãng lai ghé mua. Đông nhất, đắt nhất vẫn là vào dịp Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, khách nườm nượp, vui lắm!” - bà chia sẻ.

Nếu chịu khó đi tham quan, dừng chân ở từng cơ sở thờ tự trên núi Sam, chắc phải mất vài ngày. Núi Sam còn có không gian đầy sắc hồng phớt của hoa giấy, sắc đỏ cháy bỏng của hoa phượng, sắc vàng rưng rức của hoàng yến… Rồi những cơn mưa rỉ rả của mùa Vía Bà, càng làm ngọn núi thêm an yên, trầm mặc, nhưng không kém phần lãng mạn.

GIA KHÁNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tham-hoc-lanh-son-a420847.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm