Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tham vọng của giới tỷ phú Trung Quốc khi đầu tư vào giáo dục đại học

(Dân trí) - Giới tỷ phú USD tại Trung Quốc đang bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực giáo dục đại học. Việc một số tỷ phú mở trường đại học thể hiện tham vọng “tự cường khoa học” của Trung Quốc.

Báo Dân tríBáo Dân trí07/07/2025

Trong mùa tuyển sinh đại học năm nay tại Trung Quốc, sự xuất hiện của hai trường đại học mới thành lập thu hút sự chú ý. Hai trường này được mở ra từ nguồn vốn đầu tư đến từ hai tỷ phú nổi tiếng của xứ tỷ dân. Cả hai trường đều đang chuẩn bị chào đón lứa sinh viên đại học đầu tiên.

Trường thứ nhất là Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao (FYUST) nằm ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, do “vua pha lê” Tào Đức Vượng sáng lập. Hiện ông Tào Đức Vượng có khối tài sản vào khoảng 4,5 tỷ USD.

Tham vọng của giới tỷ phú Trung Quốc khi đầu tư vào giáo dục đại học - 1

Tác động của tình trạng suy giảm dân số sẽ ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục đại học tại Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Trường thứ hai là Viện Công nghệ Miền Đông (EIT) nằm ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Người đứng ra mở trường là ông trùm ngành bán dẫn Ngu Nhân Vinh. Hiện ông Ngu Nhân Vinh có khối tài sản vào khoảng 5,3 tỷ USD.

Hai trường đại học này được mở ra với kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hóa chiến lược “tự cường khoa học” của Trung Quốc, thông qua việc khuyến khích các tỷ phú đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học. Đây được xem xu hướng mới trong hoạt động "thiện nguyện", đóng góp cho nước nhà, đối với giới doanh nhân Trung Quốc.

Đào tạo ngành chiến lược, đưa ra ưu đãi tài chính hấp dẫn cho sinh viên

Các trường đại học tư do giới tỷ phú mở ra đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phụ huynh và học sinh Trung Quốc.

“Nhà sáng lập của hai trường này đều là doanh nhân giàu có và có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc, nên truyền thông và công chúng dành sự quan tâm đặc biệt.

Nhiều học sinh và phụ huynh đang cân nhắc liệu có nên là những người tiên phong đăng ký nhập học hay không”, ông Kent Cai - nhà sáng lập tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Zhejiang Newway - nhận định.

Tham vọng của giới tỷ phú Trung Quốc khi đầu tư vào giáo dục đại học - 2

Mở trường đại học tư là xu hướng mới trong hoạt động "thiện nguyện" của giới tỷ phú tại Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Hai trường nói trên hiện chỉ tuyển sinh với quy mô nhỏ: FYUST tuyển 50 sinh viên, EIT tuyển 70 sinh viên. Dự báo mức điểm trúng tuyển của cả hai trường đều sẽ cao.

Ông Simon Zhao - một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Trung Quốc - đánh giá: “Những khóa sinh viên đầu tiên chắc chắn sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Nhưng thành công lâu dài của những trường đại học này phụ thuộc vào việc họ có thể thực sự đào tạo ra được lực lượng nghiên cứu tinh hoa hay không”.

FYUST dự kiến đào tạo các chuyên ngành như khoa học máy tính, sản xuất thông minh, kỹ thuật vận tải và khoa học vật liệu. Tất cả đều là những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược công nghệ của Trung Quốc.

EIT sẽ tập trung vào các ngành trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch tích hợp, sản xuất thông minh và toán học. Cả hai trường đều tuyên bố đã mời được đội ngũ giảng viên đẳng cấp quốc tế, có phòng thí nghiệm hiện đại và chính sách hỗ trợ tài chính mạnh dành cho sinh viên.

FYUST chỉ thu học phí ở mức 5.460 nhân dân tệ/năm học (20 triệu đồng). Trong khi đó, sinh viên khóa đầu của EIT được cấp học bổng toàn phần trị giá 96.000 tệ (350 triệu đồng). EIT tuyên bố ngay khi sinh viên nhập học, họ có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi các nhà khoa học danh tiếng.

Sự xuất hiện của trường đại học tư: Cơ hội lớn nhưng còn nhiều dấu hỏi

Xu hướng các tỷ phú mở trường đại học tư thể hiện nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn của Trung Quốc.

Theo tờ Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ngành bán dẫn của nước này đang thiếu khoảng 300.000 lao động. Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc ước tính nước này đang cần hơn 5 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới AI, trong khi đó, tỉ lệ cung - cầu về nhân sự ở lĩnh vực này hiện mới ở mức rất thấp, vào khoảng 1:10.

Tham vọng của giới tỷ phú Trung Quốc khi đầu tư vào giáo dục đại học - 3

Vì chưa có sinh viên tốt nghiệp, nên chất lượng đào tạo của những trường đại học tư thục do tỷ phú mở ra vẫn là dấu hỏi đối với công chúng Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Dù rất quan tâm, nhưng nhiều gia đình vẫn tỏ ra dè dặt với việc để con theo học tại trường đại học do các tỷ phú mở ra. Ông Levi Tan cho biết con trai ông có đủ khả năng thi đỗ vào hai trường đại học do hai vị tỷ phú Tào Đức Vượng và Ngu Nhân Vinh mở ra, nhưng sau cùng, gia đình ông vẫn ưu tiên để con theo học tại một trường đại học công lập nằm ở thành phố Thâm Quyến.

“Với nhiều gia đình Trung Quốc, mục tiêu phấn đấu vẫn là được làm công chức hay có việc làm trong doanh nghiệp nhà nước. Các trường đại học tư thục mới mẻ như thế này vẫn chưa tạo được sự tin cậy”, ông Tan nói.

Chuyên gia giáo dục Simon Zhao cũng thừa nhận: “Vì chưa có sinh viên tốt nghiệp, nên chất lượng đào tạo của những trường này vẫn là dấu hỏi. Những trường này vẫn cần thời gian để tạo được uy tín với phụ huynh và học sinh”. Ông Zhao nhấn mạnh việc các tỷ phú duy trì sự đầu tư về lâu dài cho trường chính là yếu tố then chốt.

Sự xuất hiện của các trường đại học tư diễn ra trong bối cảnh giáo dục đại học tại Trung Quốc đang đối mặt với xu hướng suy giảm dân số.

Kỳ thi đại học năm nay ghi nhận 13,35 triệu thí sinh đăng ký dự thi, giảm so với mức kỷ lục 13,42 triệu thí sinh hồi năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số lượng thí sinh thi đại học tại Trung Quốc sụt giảm về số lượng trong vòng 8 năm qua.

Trong khi đó, năm 2024, chỉ có 9,54 triệu trẻ sơ sinh chào đời tại Trung Quốc. Con số này báo hiệu giảng đường các trường đại học tại xứ tỷ dân có thể sẽ trở nên vắng vẻ hơn trong tương lai.

Theo các chuyên gia dự báo, tác động của tình trạng suy giảm dân số sẽ ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục đại học tại Trung Quốc từ khoảng năm 2037.

Trước bối cảnh đó, chuyên gia giáo dục Simon Zhao cho rằng sự xuất hiện của các trường như FYUST và EIT không chỉ là “thí nghiệm của giới tỷ phú”, mà còn là một minh chứng sống động cho thấy sẽ có những sự đổi thay mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, liệu những trường đại học tư có thể thực sự đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, mở ra hướng đi cho giáo dục đại học tư thục đẳng cấp hay không, vẫn cần thời gian trả lời.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tham-vong-cua-gioi-ty-phu-trung-quoc-khi-dau-tu-vao-giao-duc-dai-hoc-20250706164703057.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm