(QBĐT) - Tháng giêng, tôi nhớ dịu dàng
Sầu đông chưa tím, nắng vàng đang non
Tháng giêng rét mướt vẫn còn
Còn ai đan áo mắt mòn chân mây?
Tháng giêng mưa lẫn vào cây
Cây thơm vào tóc, tóc bay vào mùa
Hội làng kẻ đón người đưa
Dịu dàng, tôi đợi sao chưa thấy về …?
Lộc cài thăm thẳm duyên quê
Tháng giêng cái tuổi cập kề dung dăng
Gió lành đã nhú mầm trăng
Trúc xanh tìm bạn qua làn sương mơ
Tháng giêng ngõ vắng tôi chờ:
Tóc buông lưng lửng nón hờ trên tay
Chiều chiều thắc thỏm gió may
Lòng quê thắm ngọn trầu cay mẹ dành
Tàu cau sao vội giật mình
Dịu dàng tôi đợi vô tình tháng giêng.
Nguyễn Hữu Quý
|
Lời bình:
Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý là người có nhiều bài thơ hay viết về người lính, người mẹ. Ông cũng là người khá nhạy cảm và tinh tế khi nhận ra sự dịch chuyển của thiên nhiên với những ánh xạ lấp lánh tâm hồn. Bài thơ “Tháng giêng” lan tỏa bao xốn xang với những tươi non phấp phỏng. Điệu thơ lục bát nhuần nhị tâm tình với bao bồi hồi bao dự cảm.
Bắt đầu là một: “Tháng giêng tôi nhớ dịu dàng/Sầu đông chưa tím nắng vàng đang non”. Sắc màu tím và vàng vừa thủy chung vừa rạng rỡ. Nhưng vàng của nắng non khơi dậy một sức sống chồi non lộc biếc dâng đầy trong nỗi nhớ dịu dàng nghiêng về phía nữ tính. Hoa sầu đông thường nở về tháng 3 và tháng giêng bắt đầu đơm nụ. Cái nụ hoa e ấp khi “Tháng giêng rét mướt vẫn còn” một cái rét nàng Bân để “Còn ai đan áo mắt mòn chân mây”. Lạ thế, tháng giêng của thi sĩ bắt đầu bằng nỗi nhớ của: “Hội làng kẻ đón người đưa/Dịu dàng tôi đợi sao chưa thấy người”. Không nói người mà thấp thoáng có người, không nói tình mà lấp lánh có tình. Thơ hay thường thảng thốt như vậy. Rồi “Cây thơm vào tóc, tóc bay vào mùa”, tôi cứ hình dung sau làn mưa bụi tháng giêng với bao náo nức tiếng trống hội làng có bóng dáng của người con gái thật duyên dáng, thật dịu dàng.
Mạch thơ cứ thể dẫn dắt ta về với “Lộc cài thăm thẳm duyên quê/Tháng giêng cái tuổi cập kề dung dăng”.Thơ Nguyễn Hữu Quý có duyên thầm, cái tủm tỉm, cái bịn rịn, cái xao xuyến mơ hồ tạo ra một trường thơ lấp lánh, lấp lánh mờ tỏ, lấp lánh trong trẻo, lấp lánh để rạng ngời, để nghiêng về phía: “Gió lành đã nhú mầm trăng/Trúc xanh tìm bạn qua làn sương mơ” thật ân tình thật da diết, thật xôn xao và tươi non, lộc biếc. Cái mầm trăng thật đẹp như hứa hẹn như thức dậy bao niềm hứng khởi đồng cảm của con người với thiên nhiên mà chính tình yêu là một tặng phẩm vô giá của tháng giêng khi “Tìm bạn qua làn sương mơ”. Một níu kéo, một phấp phỏng hứa hẹn đợi chờ mà tháng giêng là nguồn giao cảm khơi dậy bao cảm xúc chứa chan. Ở đây, tâm hồn thi sĩ như trẻ lại với cái tuổi “cập kề dung dăng”. Chính cái non tơ rạo rực ấy đã đánh thức lòng người bao ấp iu bao sẻ chia, bao tâm tình, bao hứa hẹn. Tất cả đều muốn nảy nở, vươn lên hồi sinh rạo rực.
Cái hay của bài thơ là cách nói nước đôi rất tinh tế “Tháng giêng ngõ vắng tôi chờ”. Một khiêm nhường, một đắn đo giao ước, tôi chờ: “Tóc buông lưng lửng, nón hờ trên tay” cứ thấp thỏm mà thổn thức, như đang ngập ngừng, bối rối, một tâm trạng được định vị bằng những “lưng lửng”, “nón hờ” gợi cho ta về một miền nông thôn một không gian với các lễ hội dân gian của nón quai thao của “Người ơi người ở đừng về”.
Trong tháng giêng nhà thơ đã đưa ta về một miền ký ức tâm tưởng bao vu vơ thảng thốt đến bao ngẩn ngơ đón chờ. Và tháng giêng đã định vị một hình ảnh khá xúc động khi nhà thơ đã tìm về “Chiều chiều thắc thỏm gió may/Lòng quê thắm ngọn trầu cau mẹ dành”. Vâng, đây cũng chính là tâm điểm một điểm tựa của tháng giêng trong sâu thẳm tâm tình đó chính là hình ảnh người mẹ với trầu cay đằm thắm.
Tôi rất yêu cái giật mình của nhà thơ: “Tàu cau sao vội giật mình” với một tháng giêng nhiều dự cảm bao lưu luyến bâng khuâng. Và tôi nghĩ một tháng giêng xôn xao, tháng giêng ấm lòng, tháng giêng tròn đầy rạo rực, non tơ biếc xanh sức sống ấy thì: “Dịu dàng tôi đợi vô tình tháng giêng” cũng là một đợi chờ hy vọng và dâng trào khát vọng của đất trời sang xuân lòng người rạo rực.
Nguyễn Ngọc Phú
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/tho-chon-loi-binh-thang-gieng-2224400/
Bình luận (0)