Từ rạng sáng 20/7, các tàu thuyền khu vực ven biển Ninh Bình bắt đầu quay về neo đậu tại cảng cá Hải Lạng (xã Giao Ninh) và Ninh Cơ (xã Hải Thịnh), Quần Vinh (xã Rạng Đông), chủ động chuẩn bị phòng chống lụt bão trước diễn biến của bão số 3. Trên con tàu công suất khoảng 400CV, thuyền phó Phạm Văn Dũng (36 tuổi, xã Giao Ninh) đang khẩn trương neo đậu tại khu vực cảng Hải Lạng, nơi có sức chứa lên đến 1.000 tàu. Tàu của anh chuyên đánh bắt tôm thuyền và mực, thường hoạt động cách bờ khoảng 17 hải lý và chỉ đi trong ngày.
Anh Dũng chia sẻ: “ Nhận được tin bão về, từ trưa 19/7, chúng tôi dừng lưới, quay đầu ngay. Thuyền trưởng gọi bộ đàm liên tục, xác nhận vị trí neo tại Hải Lạng. Cập bến là bắt tay gia cố, neo dây mũi, dây lái, buộc lại hệ thống điện và thiết bị tời. Chỉ cần lệch vài gang dây là tàu dễ bị va đập trong bão lớn”.
Tại cảng Ninh Cơ, âu tránh trú với sức chứa khoảng 200 tàu đang kín dần. Một trong những người về sớm là anh Vũ Văn Phan (51 tuổi, xã Nghĩa Thành), thuyền trưởng đã có 7 năm kinh nghiệm đi biển. Tàu của anh hành nghề đánh cá thu, hoạt động cách bờ 10-15 hải lý.
Anh Phan tay vừa buộc dây thừng bản lớn vào trụ neo, vừa chia sẻ: “Nghe tin bão qua bộ đàm Icom, tôi cho cả đội thu lưới về gấp nhằm đảm bảo an toàn”. Tại cảng, các thuyền viên nhanh chóng buộc lại ngư cụ, tháo bớt các vật dễ lật, căng dây giữ thân tàu bằng các lốp xe cũ.
Anh Vũ Văn Lợi (37 tuổi, xã Hải Xuân) một ngư dân trẻ vừa đưa tàu cá thu cập âu Ninh Cơ an toàn. Tàu anh hoạt động vùng 45-50 hải lý, có 6 thuyền viên, anh Lợi chia sẻ: “Tôi mới đi biển được hơn một năm. Chúng tôi nghe tin sớm, chủ động liên hệ và được Cảng cá hướng dẫn neo vào vị trí tốt, đợi bão qua mới ra khơi”. Tại nơi tránh trú, ngư dân tranh thủ tát nước trong khoang tàu, kiểm tra van xả đáy, tháo bớt thiết bị điện để tránh chập khi mưa to, gió giật.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (48 tuổi, xã Hải Xuân) người có hơn 24 năm làm nghề biển cẩn thận cột lại từng dây dẫn động cơ, tránh ẩm ướt bộ định vị. “Với ngư dân thì việc mất định vị, mất tời, coi như mất tháng đi biển. Vậy nên tránh bão cũng là tránh mất trắng,” ông Hiếu nói, mắt vẫn không rời tay chằng cột dây neo.
Theo thống kê đến chiều 20/7, toàn tỉnh có khoảng 500 tàu neo đậu tại các cảng cá: Hải Lạng, Ninh Cơ và Quần Vinh. Tổng lực đã vào bến an toàn, một số tàu nhỏ vùng lân cận đang tiếp tục di chuyển vào khu vực neo đậu.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Cảng cá tỉnh (Sở NN và MT tỉnh) cho biết: “Đơn vị ứng trực 24/24, yêu cầu các tàu không neo ngoài cầu cảng. Lực lượng Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương cũng liên tục kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu chằng buộc đúng kỹ thuật, đặc biệt với ngư cụ cồng kềnh, dễ xô lệch.” Cùng lúc, đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh đang tổ chức vận động các lao động tại 18 lều chòi, đầm bãi thuộc xã Hải Thịnh vào đất liền an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chiều 20/7, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành công điện khẩn, yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 7h ngày 21/7; hoàn tất việc neo đậu trước 12h cùng ngày. Đến 17h, tạm dừng toàn bộ hoạt động của đò ngang, đò dọc trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi vùng xung yếu, đảm bảo nơi ở tạm thời, lương thực, nước sạch và hậu cần.
Các sở, ngành chức năng tập trung chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực để ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Chính quyền cấp xã, phường được yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó bão, ngập lụt, sạt lở. Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Y tế, Xây dựng, Điện lực, Du lịch… phối hợp triển khai nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, trong đó đặc biệt lưu ý kiểm soát các điểm xung yếu, tràn ngầm, nơi nước chảy xiết. Các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện trực ban 24/24, cập nhật diễn biến thời tiết và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh. Đồng thời, vận động người dân chủ động phòng, chống bão, hạn chế thiệt hại.
Với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống bão số 3 tại Ninh Bình đang được triển khai một cách chủ động, nhịp nhàng và hiệu quả. Sự phối hợp ấy chính là hậu phương vững chắc để ngư dân an tâm neo tàu, vững tin giữ biển. Bởi sau giông gió, biển sẽ lại sáng trong, và những con thuyền sẽ lại căng buồm ra khơi./
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/thanh-luy-cua-ngu-dan-truoc-bao-so-3-788021.htm
Bình luận (0)