Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thay đổi cách quảng bá, lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Cuộc cạnh tranh hình ảnh quốc gia ngày càng khốc liệt, trong khi hình ảnh Việt Nam vẫn chưa tương xứng với những thành tựu đạt được. Tọa đàm

Báo An GiangBáo An Giang13/07/2025

Khơi dậy khát vọng phát triển

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội. Uy tín và vị thế quốc gia không ngừng được củng cố, cùng với niềm tin ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế vào thể chế và năng lực điều hành đất nước. Có điều kiện ra nước ngoài và tiếp xúc với bạn bè quốc tế đến Việt Nam, cảm nhận đó càng rõ ràng hơn. Mời chúng tôi thưởng thức món lòng nướng tại xứ sở kim chi, thầy giáo Shin Sang Soo, Phụ trách sinh viên Việt Nam, Phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Keimyung (Hàn Quốc), cho biết, ông rất thích Việt Nam và đã sang Việt Nam vài chục lần. Lần nào cũng mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Tương tự, khi được hỏi nhiều người nước ngoài bày tỏ ngạc nhiên với vẻ đẹp, nền văn hóa, ẩm thực cũng như sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. “Có lẽ ít nước nào chúng tôi được thấy nguyên thủ các quốc gia khác có thể thong thả đạp xe, tản bộ, ngồi uống cà phê, ăn bánh mì... như ở Việt Nam”, ông Wesley Green (Hoa Kỳ) chia sẻ với chúng tôi sau vài năm sống ở Việt Nam.

Thay đổi cách quảng bá, lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Du khách nước ngoài trải nghiệm các hoạt động tại Hội An (Đà Nẵng). Ảnh: HOÀI NHÂN

Tuy nhiên, dường như hình ảnh quốc gia vẫn chưa thực sự phản ánh đúng tầm vóc và khát vọng của Việt Nam trong thời đại mới, đại bộ phận công chúng thế giới cũng cần biết đến Việt Nam với nhiều khía cạnh và trải nghiệm. Đồng chí Lương Thanh Nghị, cựu Đại sứ Việt Nam tại Australia và Đan Mạch, cho rằng, dù hình ảnh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn tồn tại đâu đó những định kiến về đất nước chúng ta như nghèo nàn, lạc hậu... Các tác phẩm như: “Good Morning Vietnam” hay “Miss Sài Gòn” vẫn tiếp tục được chiếu, góp phần duy trì cái nhìn phiến diện, cũ kỹ. “Muốn thay đổi nhận thức quốc tế, không chỉ cần hành động thực tế mà còn cần những chiến dịch truyền thông bài bản, chiến lược và có tính thuyết phục cao”, đồng chí Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.

Theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam cần hành trình chuyển mình từ một quốc gia “được biết đến” thành một hình mẫu “được ngưỡng mộ”, “nói những gì ta có” sang “kể những câu chuyện mà thế giới muốn nghe”.

Đồng chí Đoàn Đức Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nêu rõ: “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn với các xu thế lớn đang tác động đến đất nước, từng doanh nghiệp, người dân và hình ảnh Việt Nam như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo (AI), địa chính trị, thuế, biến đổi khí hậu... Nếu chúng ta không khai thác, chúng ta sẽ bị lạc dòng”. Đồng chí Đoàn Đức Thuận cho rằng: Cần lấy những xu thế đó làm bối cảnh để định vị lại câu chuyện Việt Nam. Chúng ta không thể cứ kể mãi câu chuyện áo dài, bún chả, nón lá... mà phải sáng tạo, cập nhật theo xu hướng toàn cầu. Câu chuyện Việt Nam cần truyền cảm hứng từ khát vọng phát triển, năng lực đổi mới và vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế.

Tạo sức mạnh mềm

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi thương hiệu quốc gia không còn là một khẩu hiệu mà là sức mạnh mềm then chốt trong thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh. Vấn đề là chúng ta sẽ kể câu chuyện, truyền tải thông điệp Việt Nam như thế nào?

Đồng chí Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Truyền tải hiệu quả hình ảnh quốc gia đòi hỏi thông điệp rõ ràng, nhất quán và duy trì ổn định trong 5-10 năm, thay vì thay đổi theo nhiệm kỳ hay xu hướng. Việt Nam cần truyền đi hình ảnh của một quốc gia hiện đại, năng động, có khát vọng lớn và tích cực đóng góp cho thế giới”.

Còn theo TS Đỗ Anh Đức (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): “Truyền thông không chỉ là công cụ đẩy thông tin mà là quá trình tạo ra giá trị mới”. Việc định vị hình ảnh quốc gia cần xuất phát từ câu hỏi: “Thế giới cần gì từ Việt Nam?”. Chúng ta cần dùng tiếng nói toàn cầu để lan tỏa các giá trị riêng của mình.

Ví dụ với áo dài, thay vì chỉ quảng bá hình thức, chúng ta cần chia sẻ những trải nghiệm cá nhân, góc nhìn phong phú từ cộng đồng. Hoặc khi nói đến hòa bình và ổn định, thế giới sẽ hỏi: Ta làm gì với lợi thế đó trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều xung đột?". Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc 5S Media, bà Phạm Thu Hằng lại cho rằng: “Khi doanh nghiệp tự hào về hình ảnh Việt Nam và sẵn sàng lồng ghép hình ảnh Việt Nam vào bao bì, website, sản phẩm, chiến dịch quảng bá hình ảnh của họ thì đó chính là một lực lượng truyền thông khổng lồ cho hình ảnh quốc gia”. Có lẽ những điều này được Hàn Quốc làm rất tốt. Giờ đây cả thế giới nói về ban nhạc Blackpink, hay bộ phim “Trò chơi con mực”, làn sóng văn hóa Hallyu... Điều chúng tôi càng khâm phục hơn là các doanh nghiệp, trường học của nước bạn luôn sẵn sàng kể những câu chuyện của mình gắn với những trào lưu Hàn Quốc trên thế giới.

Thay đổi cách quảng bá, lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Tặng quà cho du khách trên chuyến bay đầu tiên của Hàng không Emirates từ Dubai đến Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN DINH 

Theo đồng chí Đoàn Đức Thuận, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ-doanh nghiệp-người dân. Chính phủ có vai trò khơi dậy khát vọng dân tộc và chọn lọc những giá trị phù hợp với xu thế toàn cầu như sáng tạo, bền vững, hòa bình, chính nghĩa. Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng nhưng đồng thời phải hòa vào dòng chảy định vị thương hiệu quốc gia. Quan trọng không kém, mỗi công dân Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều là một “đại sứ thương hiệu” của quốc gia. Họ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và câu chuyện để kể về Việt Nam một cách thuyết phục, hấp dẫn. Bởi cuối cùng, như nhiều chuyên gia đã kết luận: Câu chuyện Việt Nam không chỉ của Chính phủ, không riêng doanh nghiệp, người dân... mà là một bản hòa tấu tổng thể. Sức mạnh mềm không đến từ khẩu hiệu mà từ những giá trị thật được kể bằng ngôn ngữ toàn cầu và bằng trái tim của một quốc gia biết rõ mình là ai và muốn đi đến đâu trong thế giới phẳng này.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/thay-doi-cach-quang-ba-lan-toa-hinh-anh-viet-nam-ra-the-gioi-a424204.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm