
Ông Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing (Ảnh: Thành An).
Theo thuyết minh quy phạm hóa chính sách Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), quy trình mở ngành được xây dựng chuyển thành quy trình đăng ký và cấp phép hoạt động theo lĩnh vực, trình độ và địa điểm đào tạo.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, lo ngại đây là một "bước lùi" khá sâu so với quy định hiện hành, khi phần lớn các trường đã được tự chủ trong mở ngành.
"Theo tôi, đây là một bước lùi. Nên chăng, chúng ta hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các trường xác định đủ năng lực sẽ tự công bố, Bộ chịu trách nhiệm hậu kiểm. Trường tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Việc cấp phép, nên chăng, chỉ dành cho một số lĩnh vực rất đặc thù như: Giáo viên, sức khỏe, pháp luật, quốc phòng, an ninh", ông Việt đề xuất.
Theo ông Việt, nếu quay lại cấp phép sẽ kéo theo hàng loạt thủ tục khác như rút giấy phép, sẽ "đẻ thêm" một bộ máy thực hiện các việc này.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, kiến nghị việc đăng ký, cấp phép mở lĩnh vực và chương trình đào tạo cần nêu rõ quy định.
"Nghe đến cấp phép thì nhiều trường ái ngại", ông Lê Trường Tùng nói.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT (Ảnh: Thành An).
Chia sẻ bên lề hội thảo, lãnh đạo một trường đại học khác cũng bày tỏ lo ngại những bất cập của "giấy phép con".
Trước những lo ngại này, GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho rằng các trường có thể đang nhìn nhận vấn đề theo tư duy cũ nên còn rất nặng nề. Ông giải thích quy định hiện hành, về tự chủ mở ngành, dù trao quyền, nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả.
"Với quy định mới, sẽ không còn khái niệm "mở ngành" theo cách thức hiểu trước đây mà chuyển sang đăng ký và cấp phép hoạt động theo lĩnh vực, trình độ đào tạo và địa điểm đào tạo. Việc này áp dụng với lĩnh vực (ngành) và chương trình đầu tiên. Từ chương trình thứ hai trở đi, các trường không cần đăng ký và xin cấp phép", ông Thảo làm rõ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trấn an các trường không nên quá lo lắng, việc khai báo được triển khai đơn giản trên hệ thống điện tử. Nhà trường tự khai báo và phải chịu trách nhiệm với nội dung khai báo của mình, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn để đào tạo.
"Các quy định sẽ linh động, mở rộng nhưng không buông lỏng chất lượng, không làm yếu đi vai trò quản lý của Nhà nước, đảm bảo sự thống nhất", GS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, lâu nay, các trường quen sử dụng thuật ngữ "mở ngành", song không hoàn toàn chính xác và có nghĩa sâu xa do ngành đã được quy định trong danh mục. Bản chất của ngành là một mã để thống kê, phân loại các chương trình, vì thế, nên tập trung vào chương trình đào tạo.
Ông cũng chỉ ra bất cập sau khi Luật Giáo dục Đại học 2018 được áp dụng là các cơ sở giáo dục có khái niệm "mở ngành mới". Việc được tự chủ mở ngành dẫn đến xuất hiện hàng trăm ngành không có trong danh mục được ra đời. Lúc này đặt ra bài toán là sắp xếp nó ở đâu và gây khó khăn cho cơ quan tuyển dụng khi sinh viên ra trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: Thành An).
Thứ trưởng cho biết Bộ không muốn phải kiểm soát lĩnh vực này khi ngày càng trao quyền tự chủ hơn cho các cơ sở giáo dục. Song, bên cạnh những trường làm nghiêm túc thì mặt trái là có trường lạm dụng, làm chưa đúng.
"Quy định mới đưa ra nhằm hạn chế mức thấp nhất sự lạm dụng", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về tinh thần của Luật sửa đổi, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Nhà nước (Bộ GD&ĐT phụ trách quản lý) sẽ tập trung quản lý chặt chẽ những lĩnh vực cốt lõi và trao quyền tự chủ cho số đông còn lại.
Trọng tâm là Nhà nước sẽ chú trọng vào chất lượng và sự cam kết của các cơ sở giáo dục đại học để bảo vệ lợi ích của người học, xã hội, nhà đầu tư, tập trung vào tính minh bạch, giải trình, công bằng. Bên cạnh đó, đối với đối tượng công lập còn chú ý về tính hiệu quả của hoạt động. Đây đề là những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục và đảm bảo tính xuyên suốt.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ về chương trình đào tạo (Điều 16), nhấn mạnh tính mở, linh hoạt, tích hợp và hướng đến người học, đồng thời trao quyền tự chủ cho các trường trong xây dựng và triển khai chương trình, trừ các lĩnh vực đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.
Theo Điều 16 trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) quy định về chương trình đào tạo.
Cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ; thực hiện lựa chọn, biên soạn, thẩm định và sử dụng giáo trình, tài liệu bảo đảm chất lượng, cập nhật và phù hợp với chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo có kết cấu mở, linh hoạt*; thiết kế theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng hoặc chuyên sâu; tích hợp kiến thức, kỹ năng, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực; mỗi chương trình thuộc một ngành hoặc liên ngành trong danh mục thống kê ngành đào tạo giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành danh mục thống kê ngành đào tạo giáo dục đại học; chuẩn chương trình đào tạo đối với từng trình độ giáo dục đại học phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam; hướng dẫn đánh giá kết quả học tập, công nhận văn bằng; quy định việc cấp, nội dung, phụ lục, in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi và hủy bỏ văn bằng.
Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tổ chức triển khai chương trình đào tạo khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật, trừ các chương trình thuộc lĩnh vực đào tạo giáo viên, pháp luật, sức khỏe, quốc phòng và an ninh do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.
(*) Linh hoạt được giải thích là chương trình đào tạo có kết cấu mở, linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa lộ trình học tập của người học, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, tích hợp kiến thức liên ngành, cho phép tích lũy tín chỉ, liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo, bảo đảm phù hợp với chuẩn trình độ quốc gia và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thay-doi-quy-dinh-mo-nganh-dai-hoc-lo-ngai-giay-phep-con-giam-tu-chu-20250516073811744.htm
Bình luận (0)