Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thời điểm quan trọng để định hình vị thế Việt Nam trong xu thế phát triển tài sản số toàn cầu

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để chính sách cho các tài sản mới như tài sản số hay tín chỉ carbon đi vào thực tiễn, cần sớm có những hướng dẫn chi tiết, đảm bảo tính khả thi, công bằng và minh bạch cho thị trường.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng29/04/2025

Sự bùng nổ của nền kinh tế số và làn sóng chuyển đổi xanh toàn cầu đang định hình lại một cách sâu sắc thị trường tài chính. Trong xu thế đó, tài sản số và tín chỉ carbon không chỉ trở thành công cụ đầu tư mới mà còn được xem như những loại tài sản có giá trị kinh tế đặc biệt và ngày càng được công nhận tại nhiều quốc gia.

Mặc dù Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã đặt nền móng cho việc công nhận các sản phẩm tài chính số tại Việt Nam, nhưng để đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một khung pháp lý toàn diện và phù hợp với xu hướng toàn cầu.

LS. Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, tại Việt Nam, khác với các tài sản truyền thống như bất động sản, máy móc hay chứng khoán, hành lang pháp lý cho tài sản số và tín chỉ carbon hiện vẫn chưa được hoàn thiện, đặt ra nhiều thách thức từ nhận diện, định giá, quản lý cho đến xử lý vi phạm (ví dụ: không trả được nợ). Thậm chí, nhiều khái niệm liên quan còn chưa được định nghĩa cụ thể trong văn bản pháp luật. Trên thực tế, việc áp dụng các quy định hiện hành (như Bộ luật Dân sự) để thế chấp tài sản số hoặc tín chỉ carbon gặp nhiều khó khăn, dù về lý thuyết, chúng hoàn toàn có thể được coi là "quyền tài sản" nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Việc thiếu vắng một hành lang pháp lý rõ ràng đặt ra nhiều thách thức từ khâu nhận diện, định giá cho đến xử lý khi phát sinh rủi ro. Điều này càng trở nên cấp thiết khi nhu cầu vốn của nền kinh tế ngày càng tăng, đòi hỏi phải mở rộng các loại hình tài sản bảo đảm. Trong bối cảnh đó, việc chính thức công nhận và quản lý hiệu quả các tài sản số sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn tài sản bảo đảm, đáp ứng nhu cầu vay vốn thay thế cho các tài sản truyền thống.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo chủ yếu dựa vào trí tuệ và chất xám và không có các tài sản hữu hình như nhà đất hay máy móc để đảm bảo. Điều này đồng nghĩa với rủi ro cao hơn khi tiếp cận vốn vay truyền thống. Chính vì vậy, việc công nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm chính là một giải pháp sáng tạo, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp công nghệ và nền kinh tế số.

“So với cho vay không có tài sản đảm bảo (tiềm ẩn rủi ro lớn cho ngân hàng) hay chỉ dựa vào tài sản hữu hình (vốn khan hiếm và hạn chế), việc chấp nhận tài sản vô hình như tài sản số sẽ mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận vốn, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế”, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

TS. Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam cho biết, từ góc nhìn của KPMG, xu hướng hiện nay của các tài sản phi chính như tài sản xanh, tài sản số đang đặt các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, các bên liên quan trong một tình huống mà chúng ta phải đặt ra những quy định, thực hành mà chưa có tiền lệ. Hiện nay, các văn bản pháp luật đâu đó đã có quy định về các tài sản đảm bảo về tài sản số hay tài sản xanh nhưng chưa có các quy định, hành lang pháp lý cụ thể có thể hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp, các TCTD, ngân hàng thực hiện và triển khai chương trình này. Do đó, một cơ sở pháp lý có sự phối kết hợp giữa các bên liên quan trong quá trình quản lý và giám sát đối với cá tài sản phi chính thức và đặc biệt là tài sản số rất là quan trọng.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kim Nam chia sẻ: “Chúng ta đã nghe rất nhiều đến thể chế, pháp lý của tài sản số. Nhưng với doanh nghiệp, cái gì có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mới thực sự quan trọng. Do đó, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến giải pháp thay vì thể chế. Nếu chưa có giải pháp thì làm thế nào để đánh giá tài sản số khi giá trị của nó có thể từ thay đổi rất nhanh? Liệu có một công ty kiểm toán dám ký chứng thư định giá hay không? Đấy là hàng loạt các câu hỏi đặt ra, vì doanh nghiệp nếu không có chứng thư định giá thì tài sản số cũng không có ý nghĩa gì. Do vậy, cần những giải pháp rõ ràng cho các vấn đề như vậy”.

Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu trí tuệ và thương hiệu cũng cần được làm rõ. Rõ ràng, hiện tại ngân hàng chưa có cơ chế rõ ràng để chấp nhận các tài sản số như thương hiệu, sở hữu trí tuệ làm tài sản bảo đảm. Thêm vào đó, cần phải có một định nghĩa rõ ràng về “sở hữu” và “quyền sử dụng” tài sản số. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp và cá nhân vẫn chưa hiểu rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản số. Ví dụ, nếu một người bán hàng hóa và nhận thanh toán chưa đủ, liệu họ có quyền lấy lại sản phẩm hay không, khi sản phẩm đó đã được sử dụng. Đây là một vấn đề cần làm rõ trong luật pháp.

Ngoài ra, khi chúng ta phát triển các giải pháp về tài sản số, chúng ta cần phải nhìn nhận và áp dụng các mô hình quốc tế thành công. Trên thế giới, có nhiều mô hình doanh nghiệp sử dụng tài sản số như thương hiệu, sở hữu trí tuệ để huy động vốn, và đã đạt được thành công lớn. Tại Việt Nam, chúng ta cần tìm ra giải pháp phù hợp để thúc đẩy việc sử dụng tài sản số làm tài sản bảo đảm, đồng thời phải chú trọng vào việc tạo ra một cơ chế pháp lý minh bạch và rõ ràng.

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số và tín chỉ carbon không chỉ giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn các rủi ro tài chính, mà còn tạo nền tảng để phát triển một nền kinh tế số bền vững, minh bạch và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, kết hợp giữa việc ban hành luật, giám sát thực thi và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Đây là thời điểm quan trọng để định hình vị thế của Việt Nam trong xu thế phát triển tài sản số toàn cầu.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thoi-diem-quan-trong-de-dinh-hinh-vi-the-viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-tai-san-so-toan-cau-163492.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm