Theo Thông tư 29, việc dạy thêm có thu phí trong các trường học bị cấm. Việc học thêm trong trường học không thu phí chỉ được tổ chức cho một số đối tượng học sinh nhất định, gồm: Học sinh có kết quả học tập cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Hiện nay, nhiều nhà trường, giáo viên băn khoăn, liệu có được liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức hoạt động giáo dục như dạy tiếng Anh hay dạy kỹ năng sống,... trong trường hay không.

Giải đáp điều này, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, trong Nghị định 24/2021/NĐ-CP của Chính phủ (quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập) cũng như trong Điều lệ của trường THCS, THPT và trường có nhiều cấp học đều nói về hình thức các hoạt động giáo dục, trong đó cơ sở giáo dục được chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị để nâng cao năng lực giáo dục. Tức là, các nhà trường có thể phối hợp tổ chức cho học sinh phát triển các kỹ năng.

Ngoài ra, Thông tư 29 không cấm việc nhà trường phối hợp để tổ chức cho học sinh các hoạt động giáo dục và phát triển năng lực để các em vận dụng kiến thức và phát triển bản thân.

Theo ông Thành, những chương trình, nội dung của hoạt động liên kết mà không phải là dạy thêm nội dung của chương trình giáo dục phổ thông chính khóa thì hoàn toàn được phép.

“Tuy nhiên, những hoạt động này phải thực hiện đúng theo các quy định khác của pháp luật, ngoài Thông tư 29. Miễn nội dung những hoạt động đó giúp học sinh có cơ hội phát triển năng lực thì tại sao chúng ta không khuyến khích để các em có cơ hội được trải nghiệm”, ông Thành nói.

nguyen xuan thanh (2).jpg
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tổ chức các hoạt động đó trong nhà trường cũng là sử dụng tài sản công, được đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục; vì vậy các nhà trường phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước băn khoăn về việc giám sát các chương trình liên kết đảm bảo chất lượng thực, không dạy phạm vào các nội dung kiến thức của chương trình chính khóa, ông Thành cho hay, đây cũng là trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên trong nhà trường.

“Nếu nói việc đó khó, tôi không hiểu hiệu trưởng hay giáo viên các trường học làm cái gì. Hiệu trưởng, giáo viên có đồng ý việc liên kết hay không thì bản thân họ phải biết chương trình liên kết đó có trùng lặp Chương trình phổ thông không. Mình là người làm việc, làm nghề chính là dạy học, đương nhiên phải thuộc, hiểu sâu về chương trình. Vì vậy, những nội dung nào thuộc chương trình thầy cô phải biết. Còn nếu thầy cô nào nói rằng 'không biết cái này trong hay ngoài chương trình' thì cần xem lại thầy cô đã làm tròn trách nhiệm chưa".

Phụ huynh 'bớt kỳ vọng, tăng kỳ công' dạy thêm, học thêm tự biến mất

Phụ huynh 'bớt kỳ vọng, tăng kỳ công' dạy thêm, học thêm tự biến mất

Chuyên gia chia sẻ với VietNamNet, phụ huynh, học sinh và nhà trường dám thay đổi cách dạy và học, bớt đặt nặng thành tích, học sinh sẽ bớt áp lực. Từ đó cũng không còn cảnh các em tất tả đến các lớp dạy thêm sau giờ học chính khóa.
'Học sinh toàn đạt danh hiệu khá, giỏi sao phải lo chuyện đi học thêm?'

'Học sinh toàn đạt danh hiệu khá, giỏi sao phải lo chuyện đi học thêm?'

Chuyên gia giáo dục Lê Đông Phương nêu nghịch lý: “Qua báo cáo tổng kết các năm học, đa số học sinh được xếp loại khá giỏi, số yếu kém chỉ chiếm rất ít, vậy tại sao xã hội, phụ huynh cứ phải lo chuyện học thêm, dạy thêm?”.