Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chinh phủ phê duyệt và công bố đầu năm 2024 đã đem lại bức tranh tổng thể về định hướng phát triển của tỉnh, được ví như "cú huých" tạo ra xung lực mới thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
Phối cảnh dự án KCN SHI IP Tam Dương.
Sau 27 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Vĩnh Phúc đã khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn đến từ các quốc gia phát triển.
Với độ mở kinh tế cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp FDI trên địa bàn hoạt động hiệu quả, có những đóng góp quan trọng vào thu ngân sách và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thách thức, song kết quả tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của tỉnh vẫn khả quan so với bình quân chung của cả nước.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, đến nay, các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 450 dự án FDI đến từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 8 tỷ USD và hơn 800 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn hơn 140 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đâu tư mới cho 44 dự án, trong đó có 28 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 275 triệu USD, 16 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 4.632 tỷ đồng. Tăng vốn cho 50 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 329 triệu USD, 20 lượt dự án DDI với tổng vốn đầu tư tăng là hơn 17.000 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đối với các dự án FDI là hơn 600 triệu USD, dự án DDI là 21.728 tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt,̀ công tác hỗ trợ đầu tư, sau đầu tư của tỉnh được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Đơn cử như tại dự án đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện xe máy của Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ) tại KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên), ̉sau gần 1 năm khởi công xây dựng, nhà máy đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu dự án có công suất khoảng 750 nghìn sản phẩm/năm, dự kiến doanh thu 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu và thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển.
Với những cam kết hỗ trợ đã được khẳng định với tập đoàn hàng đầu như Polaris (Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ), thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.
Tập đoàn Sơn Hà đang đẩy nhanh tiến độ thi công mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp SHI IP Tam Dương, sẵn sàng đón sóng đầu tư trong thời gian tới.
Cùng với đó, sự có mặt của nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư tại Vĩnh Phúc như Piaggio (Italia); (De Heus) Hà Lan; Assa Abloy (Thụy Điển); Toyota, Honda, Sumitomo, Sojitz (Nhật Bản), Haesung, Partron, Jawha (Hàn Quốc), YCH (Singapore)… sẽ gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện mới có 16/19 KCN của tỉnh có chủ trương đầu tư, trong đó có 8/19 KCN đã hoàn thiện hạ tầng, đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy các KCN đã ở mức cao. Điển hình ̉ như KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, dù mới đi vào hoạt động từ 2017, song đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 92%.
Các dự án công nghiệp còn lại đang triển khai khá chậm, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng không nhỏ hoạt động thu hút đầu tư, làm chậm quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, dự án KCN Sơn Lôi còn vướng về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhất là tiến độ xây dựng khu tái định cư, đến nay vẫn chưa tìm được vị trí thích hợp; KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, KCN Đồng Sóc, KCN Sông Lô I, KCN Tam Dương I khu vực 2 (SHI IP)… đang trong giai đoạn GPMB; KCN Sông Lô II dù cơ bản hoàn thành công tác GPMB nhưng lại gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp mặt bằng.
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, năm 2023, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào nước ta đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều này cho thấy cơ hội thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường còn rất lớn. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố đầu năm 2024, là căn cứ pháp lý rõ ràng, cho thấy chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh, qua đó thêm phần khẳng định Vĩnh Phúc là bến đỗ giàu tiềm năng với các nhà đầu tư.
Để tận dụng tốt xung lực mới từ quy hoạch tỉnh, tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư chủ động, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hoạt động hỗ trợ đầu tư, đầu tư tại chỗ, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI, DDI.
Tập trung thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), kỹ thuật số, kỹ thuật nano, pin ô tô xe máy điện, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch...
Từ đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng, tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quy hoạch đã công bố.
Bài, ảnh: Chu Kiều
Nguồn
Bình luận (0)