Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều mang tên Lê Quý Đôn

Trong hàng ngàn trường học ở 34 tỉnh thành phố, có rất nhiều trường học được mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn. Đáng chú ý, có 8 trường chuyên đều mang tên 'THPT chuyên Lê Quý Đôn' ở 7 tỉnh thành, sau sáp nhập.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/07/2025

Một tỉnh có 2 trường chuyên đều mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn

Tính từ miền Bắc vào tới miền Nam, dưới đây là lần lượt 8 trường chuyên đều mang tên "THPT chuyên Lê Quý Đôn" ở các tỉnh thành mới, sau sáp nhập, từ 1.7.2025:

Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ảnh 1.

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ) vẫn được giữ nguyên tên và là một trong 4 trường chuyên của TP.HCM mới hiện nay

ẢNH: THÚY HẰNG


  1. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
  2. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Tân Phong, tỉnh Lai Châu.
  3. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị mới hiện có 2 trường chuyên, gồm Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình cũ) và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của Quảng Trị cũ.
  4. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường An Hải, TP.Đà Nẵng. Đà Nẵng mới có 3 trường chuyên, là Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Quảng Nam cũ), THPT chuyên Lê Thánh Tông (tỉnh Quảng Nam cũ) và THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đà Nẵng cũ).
  5. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai (trước đây trường thuộc TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũ). Tỉnh Gia Lai mới hiện có 2 trường chuyên, ngoài THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Quy Nhơn; còn có Trường THPT chuyên Hùng Vương, phường Diên Hồng (trước đây là TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).
  6. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Nam Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
  7. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Phan Rang 2, tỉnh Khánh Hòa (trước ngày 1.7.2025, trường này thuộc tỉnh Ninh Thuận). Như vậy sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới hiện nay có 2 trường chuyên, đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn.
  8. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phường Phước Thắng, TP.HCM. Trước ngày 1.7.2025, trường này nằm trên địa bàn phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, đây là một trong 4 trường chuyên của TP.HCM mới (gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ).
Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ảnh 3.

Trung tâm học tập thể dục thể thao của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, nay thuộc TP.HCM

ẢNH: THÚY Hằng

Đáng chú ý, ở tỉnh Hậu Giang cũ (nay là TP.Cần Thơ) cũng có một trường từng mang tên là THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tiền thân của trường này là THPT Phụng Hiệp, nằm ở TP.Ngã Bảy cũ, năm 2005 thì đổi tên là THPT Lê Quý Đôn; năm 2008, trường tên là THPT chuyên Lê Quý Đôn. Từ năm 2010 tới nay, trường này có tên là THPT Lê Quý Đôn.

TP.HCM có trường trung học cổ nhất - 150 năm tuổi mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn

Nếu để ý, bạn đọc có thể thấy hầu như ở tỉnh thành nào cũng có trường học ở các cấp, từ tiểu học tới trung học được mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn.

Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ảnh 4.

Trường THPT Lê Quý Đôn, phường Xuân Hòa (Q.3 cũ), TP.HCM nhìn từ trên cao

ẢNH: MINH HÒA

Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ảnh 5.

Tượng nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn trong khuôn viên Trường THPT Lê Quý Đôn, phường Xuân Hòa, TP.HCM

ẢNH: THÚY HẰNG

Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ảnh 6.

Trường THPT Lê Quý Đôn, phường Xuân Hòa, TP.HCM - ngôi trường trung học 150 năm tuổi

ẢNH: THÚY HẰNG

Nhà bác học Lê Quý Đôn sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (sau này là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cũ, nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Ông là nhà bác học lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ XVIII và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Trang web Trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Bình Phước cũ (hiện nay thuộc tỉnh Đồng Nai) giới thiệu tiểu sử nhà bác học Lê Quý Đôn: "Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2.8.1726. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Năm 14 tuổi, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Lúc ấy cậu bé 14 tuổi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia. 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn.

Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) năm 1773, Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)...".

Thú vị: Sau sáp nhập, cả nước 8 trường chuyên đều tên THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ảnh 7.

Lễ khai giảng ngày 5.9.2024 tại Trường THPT Lê Quý Đôn, phường Xuân Hòa, TP.HCM

ẢNH: THÚY HẰNG

Tại TP.HCM, Trường THPT Lê Quý Đôn, phường Xuân Hòa là trường trung học cổ nhất của thành phố với 150 năm tuổi và được chọn là một trong những di tích văn hóa của TP.HCM. Trường được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877.

Nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn có câu nói nổi tiếng "Phi trí bất hưng", câu nói này nhấn mạnh vai trò quan trọng của tri thức, trí tuệ trong sự phát triển và hưng thịnh của một quốc gia. Câu nói này cũng được nhiều thế hệ thầy cô dặn dò học trò, truyền cảm hứng học tập, rèn giũa đạo đức trong hành trình trưởng thành của các em...

Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-vi-sau-sap-nhap-ca-nuoc-8-truong-chuyen-deu-mang-ten-le-quy-don-185250712230104318.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm