Ngài Kim Ki-hwan - Chủ tịch Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc KF phát biểu khai mạc hội thảo
Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ban lãnh đạo Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc. Diễn đàn thu hút sự tham dự của gần 80 nhà khoa học, giảng viên đến từ Đại học Nanyang (Singapore), Đại học Quốc gia Lào, Đại học Ngoại ngữ Cyber Hàn Quốc, Trường đại học Quốc tế (Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc), nhiều trường đại học có đào tạo ngành Hàn Quốc học, các doanh nghiệp tại Việt Nam…
Mở rộng Hàn Quốc học tại Việt Nam và định hướng tầm nhìn mới
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV nhấn mạnh "chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn hợp tác đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam – Hàn Quốc, đồng thời cũng là một kỷ nguyên mới của khoa học công nghệ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo với những nhu cầu xã hội mới. Trong bối cảnh đó, việc lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước để đổi mới phương pháp đào tạo là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam".
Hàn Quốc học vốn trước đây tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giới hạn như nhân văn học, khoa học xã hội và tiếng Hàn. Gần đây Hàn Quốc học đã mở rộng phạm vi do sự gia tăng nghiên cứu liên ngành và sự mở rộng sang các lĩnh vực STEM, truyền thông và khoa học công nghệ. Giáo dục tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức như sự phân tán nguồn lực, sự phát triển cân bằng giữa tiếng Hàn và Hàn Quốc học, sự cần thiết của các sáng kiến hợp tác. Bên cạnh đó, tại Lào, quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng đang tìm kiếm các biện pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nghiên cứu Hàn Quốc.
Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu vai trò trung tâm trong việc tham mưu, kết nối và hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến Hàn Quốc học như văn hóa số, truyền thông, công nghệ giáo dục và quản trị đại học.
Đồng thời, Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách và hạ tầng khoa học – công nghệ để kết nối các kết quả học thuật với nhu cầu thực tiễn và sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và đối tác quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc - đối tác có tiềm lực mạnh về giáo dục, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã có những trao đổi và chia sẻ rất bổ ích trong từng lĩnh vực mà họ đang công tác, làm sâu sắc hơn giá trị và ý nghĩa của Hàn Quốc học hiện đại, thích ứng với các xu hướng học thuật mới, cũng như thực tế trên toàn thế giới, đồng thời đưa ra các phương án nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của Hàn Quốc học tại Việt Nam, từ đó mở rộng định hướng cho nghiên cứu Hàn Quốc học.
Tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và trường học
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đang đạt được những tiến bộ trong đổi mới và phát triển công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, được hỗ trợ bởi sự khuyến khích của Chính phủ và sự đổi mới của khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nguồn nhân lực là vô cùng to lớn, đặc biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số và công nghệ thay đổi nhanh chóng, nguồn nhân lực là một trong những giá trị không thể thiếu cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Bằng cách tăng cường quan hệ đối tác giáo dục đại học giữa Hàn Quốc và Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng hiệu quả kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hàn Quốc và những thế mạnh trong các lĩnh vực thiết yếu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 như: kỹ thuật số, sinh học và biến đổi khí hậu để củng cố năng lực giáo dục chất lượng cao, đồng thời đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội bền vững thông qua sự hợp tác giữa Chính phủ - doanh nghiệp - trường học.
Diễn đàn Hàn Quốc học tại Hà Nội 2025 đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần định hướng cho sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các bên liên quan bày tỏ mong muốn đây sẽ là một bước khởi đầu để xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Hàn Quốc học tại Việt Nam.
Một số hình ảnh tại diễn đàn:
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn trân trọng cảm ơn sự tham dự và đóng góp của đại diện lãnh đạo Quỹ Giao lưu Hàn quốc KF, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội
Hội thảo thu hút sự tham dự và đóng góp ý kiến thảo luận của lãnh đạo Quỹ KF và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
USSH
Bình luận (0)