Thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA để triển khai các dự án có tính đột phá, có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển KT - XH như tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang; Dự án đường Tây Thiên – Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ QL2C đến hồ Vân Trục; dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc, đoạn từ KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) đến đường 36m KCN Bình Xuyên đi KCN Bá Thiện; dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn WB; dự án cầu Đầm Vạc, vay vốn OFID…
Tích cực thực hiện hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng trong phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Năm 2024, tỉnh đã giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh tại 5 hội chợ nông sản thực phẩm an toàn tại thành phố Hà Nộ.
Tổ chức 1 đoàn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đi khảo sát, tìm hiểu mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn tại tỉnh Ninh Bình và ký kết Chương trình phối hợp về an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Ninh Bình.
Phối hợp với tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và thành phố Hà Nội trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh theo quy chế phối hợp; thông tin, thông báo các vụ việc về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh, xử lý kịp thời, góp phần hạn chế và giảm tối đa các vụ việc ở khu giáp ranh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cử các đoàn công tác tham gia học tập trao đổi kinh nghiệm về phát triển công nghiệp, năng lượng với các tỉnh, thành trong khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Phú Thọ… nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách trong tỉnh và trong vùng.
Để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời, phát huy vai trò liên kết vùng trong lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy thị trường TMĐT tại Việt Nam phát triển bền vững, trong tháng 5/2025, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc”.
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký tham dự sự kiện được hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành bán hàng qua livestream, ứng dụng công nghệ số trong TMĐT, kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển TMĐT gắn với liên kết vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên kết vùng, phát triển KT - XH vùng bền vững, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Trong đó, Sở Tài chính chủ trì thường xuyên theo dõi việc tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết vùng.
Chủ động phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ chuẩn bị sẵn sàng xây dựng lộ trình tích hợp, đề xuất tối đa các tiềm năng lợi thế, định hướng phát triển tỉnh, hoàn thiện quy hoạch tỉnh sau sáp nhập cũng như trong quy hoạch vùng sau khi sắp xếp, điều chỉnh.
Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng. Tăng cường đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của liên kết vùng. Hình thành và phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trao đổi thông tin KT - XH với các địa phương trong vùng.
Chủ động, phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, địa phương và thông tin vùng, trong đó cập nhật chủ trương, chính sách, thể chế, chương trình hợp tác, hoạt động hợp tác giữa các sở, ngành, địa phương trong vùng và liên vùng, dự báo thị trường, việc làm, lao động chất lượng cao, nhu cầu sản phẩm...
Bài, ảnh: Lưu Nhung
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/128676/Thuc-day-lien-ket-vung-phat-trien-kinh-te-dia-phuong
Bình luận (0)