Nỗ lực bảo tồn rùa biển quý hiếm
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (Ninh Hải) là nơi duy nhất ở đất liền và là khu vực thứ hai ở Việt Nam (sau VQG Côn Đảo) có quần thể rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa đến sinh sống và kiếm ăn. Đây đều là những loài nguy cấp có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Hằng năm, loài rùa xanh thường lên bãi tại vùng biển VQG Núi Chúa để sinh sản, trong đó thường tập trung các khu vực: Bãi Hỏm - Suối Sâu - Gò Bù (bãi đẻ chính), Bãi Ngang- Bãi Thịt - Bãi Móng Tay; bãi nằm trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Những khu vực có rùa biển lên đào tổ đẻ trứng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhằm bảo vệ rùa biển lên bãi sinh sản, từ năm 2000, Ban quản lý VQG Núi Chúa đã thành lập 2 trạm bảo vệ rùa biển Bãi Thịt - Bãi Ngang và Bãi Hỏm với số lượng 12 tình nguyện viên (TNV) là người địa phương; đến năm 2014, đội hình TNV cộng đồng tăng lên 22 người hoạt động ở 3 tổ: Tổ TNV bảo tồn và cứu hộ rùa biển Bãi Thịt, Tổ TNV bảo vệ rạn san hô - thảm cỏ biển Thái An, Tổ TNV bảo vệ thảm cỏ biển Mỹ Hòa. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý VQG Núi Chúa còn kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện chương trình bảo tồn rùa biển cho TNV cả nước tham gia với mục tiêu vừa làm công tác bảo tồn cứu hộ rùa biển, vừa kết hợp giáo dục tiếng Anh, vi tính lồng ghép với giáo dục bảo vệ môi trường, động vật hoang dã... Các phương án, giải pháp nhằm bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác tại đây luôn được triển khai đồng bộ, tạo sức lan tỏa tốt.
Cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa và tình nguyện viên cứu hộ rùa biển bị nạn.
Ông Trần Văn Khang, Phó Giám đốc VQG Núi Chúa cho biết: Hằng năm, đơn vị xây dựng các kế hoạch về tổ chức tuần tra, bảo vệ rùa biển lên bãi làm tổ, cứu hộ và thả rùa con về biển; kế hoạch tiếp nhận, chăm sóc, cứu chữa thuần hóa và tái thả về tự nhiên rùa biển. Bên cạnh duy trì vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập tổ TNV tham gia bảo vệ rùa biển, chúng tôi tăng cường phối hợp với tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, TNV. Đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn báo ngay cho lực lượng cứu hộ; xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận cá thể rùa còn sống, đưa tới Khu Bảo tồn sinh vật biển của VQG Núi Chúa cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi tái thả ra môi trường tự nhiên. Nhờ đó số rùa về đây đẻ trứng ngày một nhiều và các ổ trứng đều nở đạt tỷ lệ cao.
Từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm là thời điểm sinh sản của rùa biển. Chúng thường lên bờ và đẻ trứng vào ban đêm. Để đẻ trứng, rùa mẹ phải thực hiện các công đoạn gồm tìm bãi (có độ ẩm thích hợp), đào ổ, đẻ trứng và lấp ổ xóa dấu vết. Quá trình này mất từ 1-2 giờ, sau đó rùa mẹ rời đi và không quay lại nữa. Trong trường hợp bãi cát không đủ độ ẩm, rùa mẹ mất nhiều thời gian hơn để đào ổ, có con quay trở lại biển đến hôm sau mới lên đào lại. Trong một mùa sinh sản, rùa biển thường đẻ từ 2-5 ổ trứng (tùy theo loài), mỗi ổ có từ 50-200 quả trứng. Thời gian trứng nở thành rùa con từ 47 đến trên 50 ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt độ môi trường.
Với thâm niên gần 20 năm tham gia đội hoạt động tình nguyện bảo tồn rùa biển, ông Nguyễn Tỵ, Đội tình nguyện bảo vệ rùa biển thôn Thái An, xã Vĩnh Hải chia sẻ: Vào mùa rùa đẻ trứng, các thành viên trong đội sẽ thay ca trực mỗi đêm để quan sát rùa mẹ lên bờ. Sau đó, chờ rùa đẻ xong về với biển thì kiểm đếm từng quả trứng và đánh dấu ổ trứng. Những ổ trứng rùa này sẽ được bảo vệ 24/24 để khỏi bị lấy trộm cho đến khi trứng nở thành rùa con và quay trở về với biển. Đặc biệt, với những cá thể rùa con sức yếu không ngoi lên được lớp cát, các thành viên hỗ trợ cứu hộ thả về biển an toàn.
Mỗi năm, VQG Núi Chúa ghi nhận có từ 10-15 cá thể rùa mẹ lên đẻ trứng, số lượng rùa con được thả về biển là 1.200-1.800 con. Bãi rùa đẻ kéo dài hơn 2km, với sự tham gia của các TNV địa phương và các tình nguyện cộng đồng đã góp sức trong việc truy tìm dấu vết, hỗ trợ rùa biển lên bờ đẻ trứng an toàn, tăng hiệu quả cứu hộ và tỷ lệ thả rùa con về biển.
Lan tỏa công việc bảo tồn rùa biển đến cộng đồng
Định kỳ mỗi năm, VQG Núi Chúa đều mở các lớp tập huấn về kỹ thuật và tìm hiểu về bảo tồn rùa biển cho TNV, học sinh, thanh thiếu niên cả nước tham gia với số lượng hàng trăm người. Trong nhiều năm qua, đã có hàng nghìn TNV từ khắp mọi miền Tổ quốc tham gia chương trình bảo tồn rùa biển tại VQG Núi Chúa. Thông qua tuyên truyền hiệu quả, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, ngày càng có nhiều bạn trẻ đăng ký trở thành TNV bảo tồn rùa biển, góp phần vào quá trình bảo vệ thiên nhiên.
Là một trong số các TNV tham gia chương trình bảo tồn rùa biển năm 2024, bạn Lê Nguyễn Trúc Linh (22 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh) phấn khởi: Em đã có một tuần trải nghiệm làm “bà đỡ” cho rùa biển tại Khu Bảo tồn rùa biển VQG Núi Chúa.
Tại đây, nhóm em được các TNV địa phương lâu năm hướng dẫn. Công việc hằng đêm của tổ tình nguyện là trực từ 23 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau ở các bãi để tìm ổ rùa đẻ, sau đó đem trứng về khu tập kết và ấp trứng cho đến khi chúng nở. Để trở thành “bà đỡ” chính thức, nhóm tình nguyện phải trải qua khoảng thời gian trang bị kiến thức về các loại rùa biển, công tác cứu hộ, cũng như quy trình đỡ đẻ cho rùa thông qua các đợt tập huấn. Rùa lên bờ đẻ thường có xu hướng đào những ổ giả để tạo “lá chắn” bảo vệ trứng. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của nhóm em là phân biệt được ổ trứng thật và giả, sau đó, nhặt trứng đem về bãi tập kết, đào ổ và ủ trứng để tăng tỷ lệ trứng nở. Sau 45 ngày, trứng nở và TNV sẽ hỗ trợ rùa con quay về biển.
Còn bạn Thanh Bình (21 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Sau khi thực hiện công tác bảo tồn, tỷ lệ sống sót của rùa con tăng lên gấp nhiều lần, từ 1/3 nâng lên 3/4 so với số lượng ban đầu. Qua một tuần trải nghiệm, em cảm thấy các hoạt động tại đây rất bổ ích và hy vọng sẽ có nhiều người biết đến hơn, góp phần bảo tồn rùa biển nói riêng và các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng nói chung.
Ngoài hoạt động tuần tra đêm, nhóm TNV còn tham gia các hoạt động bảo tồn khác tại VQG Núi Chúa như hỗ trợ người dân địa phương thu gom rác ở các bãi biển, bãi rùa đẻ, dọn vệ sinh ở các vùng dân cư, trồng rừng ngập mặn,... Với sự chung tay phối hợp giữa các tổ chức và cộng đồng, chương trình TNV bảo tồn rùa biển đã và đang phát huy tốt giá trị thiết thực, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn rùa biển, bảo vệ môi trường và duy trì sự cân bằng sinh thái tại VQG Núi Chúa.
Anh Thi
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152439p1c30/tich-cuc-bao-ton-rua-bien.htm
Bình luận (0)