Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tích tụ ruộng đất: Vì sao vẫn khó?

Việt NamViệt Nam08/04/2025


Nhu cầu lớn

Đất là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng đối với các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng ở hầu hết những doanh nghiệp, HTX làm ăn hiệu quả, tư liệu này vẫn đang thiếu.

Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản (Yên Sơn) vẫn có nhu cầu lớn về đất để mở rộng quy mô trang trại.

Công ty cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là doanh nghiệp hàng đầu trong chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi hiện nay trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, công ty cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến sữa 15,5 nghìn tấn sữa tươi, đứng trong top đầu các tỉnh của khu vực Miền núi phía Bắc.

Ông Lê Đức Đô, Giám đốc sản xuất cho biết: Từ 500 con bò sữa ban đầu đến nay công ty đã phát triển lên 2.700 con bò sữa. Khả năng, tiềm lực của công ty hoàn toàn có thể phát triển gấp đôi, thậm chí gấp ba lần như hiện nay nhưng không thể thực hiện được. Lý do cản trở việc phát triển quy mô của trang trại là do không có đất. Theo lời ông Đô, vì không mua, thuê được đất để mở rộng chuồng trại nên hàng năm lượng bê sinh ra, công ty chỉ giữ lại số ít để gây đàn hậu bị, còn lại phải bán vì để không có chỗ nuôi. Thiếu đất mở rộng chuồng trại, diện tích đất để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn bò cũng khan hiếm. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, công ty phải tích tụ được 50 ha đất để trồng cỏ, tuy nhiên hiện tại con số này chỉ đạt 10%. Và để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, Công ty cổ phần Hồ Toàn phải đi mua gom cây ngô trong dân và việc thu mua trong dân không phải lúc nào cũng thuận lợi cả về giá cả, sản lượng.

Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thành Tuyên, địa chỉ tổ 13, phường An Tường (TP Tuyên Quang) cũng đang gặp rào cản về tích tụ đất để trồng dâu nuôi tằm. Ông Phạm Trung Nghĩa, Giám đốc công ty cho biết: Hiệp hội nuôi tằm và nhiều doanh nghiệp đã đến làm việc với công ty đặt hàng sản phẩm kén tằm với số lượng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không dám đặt bút ký, bởi đất để trồng dâu - thức ăn cho tằm vẫn còn quá ít, không đáp ứng được quy mô để chăn nuôi lớn. Theo ông Nghĩa, công ty đã thực hiện đàm phán với các hộ dân để mua đất, tuy nhiên hộ có nhu cầu bán, hộ không bán, hộ chỉ cho thuê một 1-2 năm. Ông Nghĩa chia sẻ: Cùng một cánh đồng, người bán, người không, người chỉ cho thuê ngắn hạn, trong khi chu kỳ cây dâu từ 3-5 năm thì doanh nghiệp không dám đầu tư, bởi rủi ro là không tránh khỏi.

Còn có nhiều HTX dù gắn bó mật thiết với người nông dân cũng khó có thể tích cho mình diện tích đất đủ lớn để chủ động trong công tác quản lý, sản xuất. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết: HTX Minh Tâm rất muốn có quỹ đất rộng, liền bờ, liền thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận cho thành viên, người lao động. Thế nhưng, khi thương lượng thuê đất với người dân rất khó vì có hộ đồng ý, có hộ không đồng ý. Vậy nên diện tích dưa của HTX vẫn cứ manh mún, mỗi địa phương, mỗi khu vực 1 khoảnh, ảnh hưởng đến việc thu hoạch, vận chuyển.

Rào cản tích tụ đất nông nghiệp

Tích tụ ruộng đất được coi là bước thứ hai sau dồn điền, đổi thửa nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn lại đang gặp những rào cản.

Thạc sĩ Trần Thị Bình, Giảng viên chuyên ngành quản lý đất đai, trường Đại học Tân Trào chỉ ra rằng: Phần lớn đất nông nghiệp đang nằm trong tay nông dân và khi tâm lý “người cày có ruộng”, vẫn còn trong tư tưởng người nông dân thì dù diện tích đó có manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp họ vẫn muốn giữ. Thực tế cho thấy, rất nhiều hộ nông dân dù chỉ có 1-2 sào đất ruộng, làm gần như không có lãi nhưng họ vẫn cố giữ. Thêm vào đó, trong giai đoạn hiện nay rất nhiều dự án kinh tế, giao thông được mở ra, tâm lý người dân giữ ruộng, bãi chờ cơ hội nhận bồi thường cũng làm chậm quá trình tích tụ ruộng đất ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực vùng ven đô thị.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (Sơn Dương) liên kết với hộ dân để tích tụ ruộng đất mở rộng vùng nguyên liệu.

Theo Thạc sĩ Bình, bên cạnh 2 rào cản trên còn một nguyên nhân cũng được nhận định là gây khó khăn cho việc tích tụ ruộng đất. Đó là thị trường đất đai gắn với thị trường lao động, trong khi hiện nay thị trường lao động chưa vận hành một cách thuận lợi. Đa số người lao động từ nông thôn đi ra thị trường lao động là “phi chính thức” tức là không có thuế, không bảo hiểm, không hợp đồng... Sự bấp bênh của thị trường lao động đồng nghĩa với việc tương lai của những lao động xuất thân từ nông thôn không bền vững. Vậy nên dù không còn làm ruộng nhưng họ vẫn phải giữ đất đai lại, coi như là vật bảo hiểm, gặp khó khăn thì còn có chỗ quay về sản xuất hay bí lắm mới cầm, cố, cho thuê lấy tiền.

Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng nêu ra vấn đề đang tác động đến việc tích tụ ruộng đất của doanh nghiệp. Đó là, một số doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Số Hợp tác xã trực tiếp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân thông qua hợp đồng còn ít, thiếu bền vững, tình trạng hợp tác sản xuất mà không thu mua, hoặc thu mua rẻ sản phẩm đã từng xảy ra đã làm giảm niềm tin của người nông dân.

Xóa bỏ bờ bao, mở rộng không gian phát triển

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề cập các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa...

Tháo gỡ những rào cản ảnh hưởng đến việc tập trung, tích tụ ruộng đất, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 của UBND tỉnh Tuyên Quang ngày 17-4-2023 có đưa ra chính sách về đất đai. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn liên quan đến đất đai như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất; góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để tham gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp; huy động tốt nhất nguồn lực từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, đất phục vụ cho phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao, vùng canh tác hữu cơ, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; ưu tiên quỹ đất có lợi thế kinh doanh, dịch vụ phục vụ việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp; phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung...

Nhà nước, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có mặt bằng sản xuất cũng như bổ sung một số chính sách, pháp luật về thuế, miễn thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình tham gia thực hiện tích tụ đất đai thông qua phương thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất...

Hành lang pháp lý đã rõ, quan trọng là tùy thuộc đặc thù từng địa phương để lựa chọn hình thức tích tụ đất nông nghiệp phù hợp, trong đó, các cấp chính quyền, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân... cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để xóa bỏ bờ bao, hình thành các vùng chuyên canh lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã thuê đất

Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, huyện Sơn Dương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hợp tác xã thuê đất. Nhiều doanh nghiệp được tạo điều kiện cho thuê đất như: Công ty TNHH JM Nông sản Hàn Quốc, Công ty Kiến Xương. 

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã thuê đất, địa phương đã và đang rà soát, quy hoạch quỹ đất một cách minh bạch, công khai. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế “Một cửa” giúp giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Huyện cũng chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương đến các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn cũng được xây dựng nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp và hợp tác xã đến đầu tư.


Ông Nguyễn Ngọc Tháp, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình

Cơ hội phát triển xanh

Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình đã được UBND tỉnh Tuyên Quang giao quản lý 1.721,07 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đất nằm tập trung trên địa bàn 6 xã của huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Đây là cơ hội để công ty phát triển hoạt động trồng rừng, tạo ra những khu vực sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn, ổn định và bền vững. Điều này mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp trong việc xây dựng các dự án lâu dài, phát triển vùng nguyên liệu đồng bộ và tổ chức sản xuất có hệ thống. Việc trồng rừng sản xuất tập trung là yếu tố quan trọng giúp công ty tăng cường khả năng quản lý, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng năng suất, từ đó tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc tập trung phát triển các diện tích rừng lớn còn mở ra cơ hội cho công ty tham gia vào các thị trường tín chỉ carbon, góp phần vào chiến lược phát triển xanh và bền vững.


Ông Sùng Seo Hầu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lập (Lâm Bình)

Cần thiết lập cơ chế giám sát minh bạch

Hiện nay, cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, tưới tiêu... còn gặp nhiều khó khăn cũng là những yếu tố khó thu hút đầu tư sản xuất quy mô lớn. Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp bền vững cần thiết lập cơ chế giám sát minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực trong quá trình chuyển nhượng, tích tụ đất đai.

Ngoài ra, cần tổ chức các chương trình tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc tích tụ đất đai và phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Rất mong trong quá trình hoàn thiện chính sách liên quan tới việc tích tụ ruộng đất, cần tính đến việc tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ hay người dân tộc thiểu số.


Bà Đỗ Thị Xuyến, thôn 16, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)

Mong đảm bảo quyền lợi của người nông dân

Đối với mỗi gia đình người nông dân thì đất đai là rất quan trọng để sản xuất, nuôi sống gia đình. Vì vậy, việc tích tụ ruộng đất nhất thiết phải tính đến được việc hài hòa lợi ích của cả hai bên: người góp đất và người dùng đất, trong đó, cần quan tâm đến quyền lợi của người nông dân. Người nông dân đảm bảo được trả tiền thuê đất đầy đủ, không bị mất đất khi có biến động xảy ra… Đồng thời, người nông dân cần được tham gia và trở thành lao động trên những mảnh đất mà gia đình góp vào để cùng tích tụ ruộng đất. Cùng với đó, khi giao đất cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất phải thực hiện mục đích sản xuất đã được thỏa thuận, ký kết từ ban đầu để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tránh tình trạng giao đất để rồi biến thành khu công nghiệp, dịch vụ, thậm chí là xây dựng các khu đô thị...

 



Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tich-tu-ruong-dat-vi-sao-van-kho-209629.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đoàn kết vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất
Săn mây ở miền sơn cước yên bình Hang Kia - Pà Cò
Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm